Hiển thị các bài đăng có nhãn QuyHoachPhuMy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn QuyHoachPhuMy. Hiển thị tất cả bài đăng

Biến đầm lầy thành đường nối cảng Cái Mép-Thị Vải (16.07.2022)

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Đường 991B dài gần 10 km, hình thành từ vùng đầm lầy, qua sông, rạch kết nối quốc lộ 51 đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Đường 991B khởi công tháng 5/2018, tổng chi phí gần 4.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 3.232 tỷ đồng, 719 tỷ đồng vốn địa phương.

Công trình do Ban quản lý công trình giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư và được phân làm hai đoạn. Đoạn một dài hơn 4,7 km từ điểm đầu giao với đường Hội Bài - Tóc Tiên đến cầu Rạch Tre; đoạn hai dài hơn 5 km từ cầu Rạch Tre đến cuối tuyến nối vào đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Toàn tuyến có 4 cây cầu, trong đó cầu vượt quốc lộ 51 dài 700 m ở phường Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ là hạng mục quan trọng ở điểm đầu dự án. Đến nay, cầu đang thi công bệ thân trụ, dầm liên tục nhịp.
Mặt đường 991B theo thiết kế rộng 35 m, với bốn làn xe. Hơn 9 km trên tuyến được hình thành từ vùng đầm lầy ngập nước.
Sau bốn năm khởi công, trên công trường, xe cơ giới chở vật liệu san lấp mặt đường, xe cẩu và công nhân thi công lắp đặt hệ thống cống thoát nước ở điểm cuối của dự án.

Theo các nhà thầu, địa chất khu vực này rất yếu nên quá trình thi công cần nguồn đất, cát nhiều hơn so với nơi khác để bù lún, gia cố nền, trong khi phải lựa chọn đầu vào kỹ hơn để tránh tình trạng hoá nhão. Giải pháp thi công là sử dụng các máy khoan cọc ximăng đất để gia cố nền trước khi làm các lớp kết cấu móng mặt đường.
Cầu Rạch Ông dài gần 400 m đang được thi công móng cọc, bệ trụ, dầm.
Việc tiếp cận mặt bằng thi công bằng đường bộ chỉ có thể thực hiện ở điểm đầu và cuối dự án. Trong khi công trình phần lớn đi qua vùng các con sông, kênh rạch chằng chịt, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy triều lên xuống trong ngày. Việc chở máy móc, thiết bị, vật liệu thi công phải vận chuyển bằng đường thủy và chỉ có thể thực hiện khi nước lớn.
Cách đó hơn hai km là cầu Mỏ Nhát dài hơn 776 m đang dần hình thành.
Thời gian đầu, dự án này cũng vấp phải nhiều trở ngại trong giải phóng mặt bằng; đường điện và nước ngọt chậm được lắp đặt kéo theo việc sinh hoạt ăn uống của công nhân, chỉ huy công trường và các hạng mục thi công bị ảnh hưởng.
Nhà thầu huy động cẩu, sà lan lớn và làm cầu tạm... để thi công trụ, dầm trên sông Mỏ Nhát.
Ông Đinh Trọng Quỳnh, đại diện nhà thầu, cho biết trong năm nay cầu Mỏ Nhát và Rạch Ông xây xong. Đến tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành phần việc đã ký kết với chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cát, đất đắp đang khan hiếm do cả vùng Đông Nam Bộ đang triển khai nhiều dự án lớn, đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công móng mặt đường.
Trên mặt cầu, Vàng A Ly, 21 tuổi, quê ở Lạng Sơn cùng các đồng nghiệp làm các khung sắt trước khi đổ bêtông. "Ngày làm dưới nắng nực, vừa hơi muối bốc lên rít ráp da khó chịu. Buổi tối bốn bề là nước và quá xa khu dân cư nên chúng tôi dù muốn cũng không thể đi chơi", Ly nói.
Bãi tập kết nguyên vật liệu, thiết bị ở chân cầu Mỏ Nhát.
Theo chủ đầu tư, cùng với dịch bệnh phải ngừng thi công, giá các vật tư như sắt, thép, xi măng, nhiên liệu… biến động tăng cao phần nào ảnh hướng đến kế hoạch của các nhà thầu. Tuy nhiên, đến nay dự án đạt hơn 50% tiến độ, dự kiến hoàn thành năm 2024.
Đoạn cuối đường 991B nối vào đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.
Khi hoàn thành, tuyến đường là trục giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hoá từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu công nghiệp, trung tâm logistics Cái Mép Hạ và trung tâm kho bãi… ra quốc lộ 51, nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sau này.
Đường 991B là một trong 6 dự án giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

(Nguồn: https://vnexpress.net/bien-dam-lay-thanh-duong-noi-cang-cai-mep-thi-vai-4488231.html)

Người dân trong dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhà cửa

Người dân nằm trong diện di dời giải tỏa để thi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu không được tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình khác. Những trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngày 27/5, ông Nguyễn Bá Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký văn bản yêu cầu các hộ dân ở ấp 1, 2, 3, 5 của xã Tóc Tiên giữ nguyên hiện trạng trước khi bị giải tỏa để xây dựng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Xã Tóc Tiên cũng yêu cầu người dân không được tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình khác. Những trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hiện nay, UBND xã Tóc Tiên đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất, phòng Tài nguyên Môi trường, phòng Quản lý đô thị của thị xã Phú Mỹ và các đơn vị liên quan kiểm đếm sơ bộ, xác định có 427 hộ dân bị thu hồi đất và 137 căn nhà, công trình bị phá dỡ để xây dựng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết bố trí 670 tỷ đồng để trả 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1 trong năm 2022.

Trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng. Đây là nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn khác.
Bà Rịa-Vũng Tàu sốt sắng triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc Nam và đúng thời điểm sân bay quốc tế Long Thành vận hành, trở thành tuyến đường huyết mạch kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng kinh tế khác trong cả nước. Việc đầu tư và sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là yếu tố quyết định cho sự thành công của mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2020-2025.

Do đó, ông Thanh đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sớm giao nhiệm vụ cho một đơn vị làm chủ đầu tư, để khi Quốc hội thông qua, Chính phủ giao nhiệm vụ thì bắt tay ngay vào thực hiện các công việc theo chức năng. TP.Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ chuẩn bị các tổ kiểm kê thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đúng quy định về đất đai, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân, bao gồm cả tái định cư và bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (từ Km0-Km16) có chiều dài khoảng 16km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 (từ Km16-Km34+200) có chiều dài khoảng 18,2km kết nối với đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến kết nối sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

(Nguồn: https://tienphong.vn/nguoi-dan-trong-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-duoc-yeu-cau-giu-nguyen-hien-trang-nha-cua-post1441559.tpo)

Tuyến xe buýt Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu đón khách từ ngày 18-04-2022

Để kết nối thuận tiện việc đi xe buýt cho hành khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), 2 tuyến xe buýt sẽ được vào ga quốc nội đón, trả khách thay vì chỉ thực hiện việc này ở ga quốc tế như trước đây.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết từ ngày 18-4, trung tâm điều chỉnh 2 tuyến xe buýt đã hoạt động tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất trước đó được phép qua ga quốc nội để đón, trả khách.

Trước đó, 2 tuyến xe buýt có điểm đậu đón trả khách tại vị trí nhà chờ ga quốc tế là tuyến số 152 (có trợ giá) với lộ trình từ KDC Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất và tuyến số 72-1 (không trợ giá) với lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe Vũng Tàu.

Lộ trình điều chỉnh cụ thể như sau:

- Tuyến 152 (KDC Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất): Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế) - điểm đón khách tại làn B ga quốc nội - đường Trường Sơn - đường Trần Quốc Hoàn - đường Hoàng Văn Thụ - đường Nguyễn Văn Trỗi - đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đường Hàm Nghi - đường Lê Lai - đường Phạm Hồng Thái - đường Nguyễn Thị Nghĩa - đường Nguyễn Thái Học - đường Trần Hưng Đạo - đường Nguyễn Văn Cừ - cầu Nguyễn Văn Cừ - đường Dương Bá Trạc - đường 9A - chỗ đậu xe buýt cuối đường số 10 - KDC Trung Sơn.

- Tuyến 72-1 (Sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe Vũng Tàu): Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế) - điểm đón khách tại làn B ga quốc nội - đường Trường Sơn - đường Trần Quốc Hoàn - đường Hoàng Văn Thụ - đường Nguyễn Văn Trỗi - đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ - đường cao tốc HCM Long Thành Dầu Giây - quốc lộ 51 - đường Võ Nguyên Giáp - đường 30-4 - đường Nguyễn An Ninh - đường 2-9 - đường Lê Hồng Phong - đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - bến xe Vũng Tàu.
Thông tin tuyến Xe buýt 72-1: Sân bay Tân Sơn Nhất -Cao Tốc - Bến xe Vũng Tàu
Loại hình: Tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề không trợ giá.

a. Thời gian hành trình một chuyến xe: 165 phút.

b. Chủng loại phương tiện: Từ 17 ghế đến 29 ghế

c. Số xe hoạt động và dự phòng trong ngày: 14 xe hoạt động; 2 xe dự phòng.

d. Tổng số chuyến hoạt động trong ngày:
- Giai đoạn 1: 28 chuyến xe.
- Giai đoạn 2: 56 chuyến xe.

e. Thời gian hoạt động trong ngày:
- Giai đoạn 1:
+ Tại sân bay Tân Sơn Nhất: Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 07 giờ 15 phút; Chuyến cuối cùng xuất bến lúc 23 giờ 05 phút.

+ Tại bến xe Vũng Tàu: Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 04 giờ 45 phút; Chuyến cuối cùng xuất bến lúc 20 giờ 15 phút.

- Giai đoạn 2:
+ Tại sân bay Tân Sơn Nhất: Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 06 giờ 30 phút; Chuyến cuối cùng xuất bến lúc 23 giờ 05 phút.

+ Tại bến xe Vũng Tàu: Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 04 giờ 00 phút; Chuyến cuối cùng xuất bến lúc 20 giờ 15 phút.

g. Giá vé:
+ Hành khách đi dưới ½ cự ly tuyến: 80.000 đồng/người.

+ Hành khách đi từ ½ cự ly tuyến trở lên: 160.000 đồng/người.
(Mốc ½ cự ly tuyến được xác định tại ranh giới tỉnh Đồng Nai và Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Trước đó, ngày 3-3, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã lý giải về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chèo kéo hành khách, ép giá đi xe tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có nói đến việc thiếu lái xe, phương tiện do dịch COVID-19 và việc phối hợp điều phối phương tiện phục vụ chưa kịp thời.

Sở Giao thông vận tải TP giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng chủ động phối hợp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thống nhất bố trí xe buýt vào đón khách ở làn B tại ga quốc nội.

Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển mục đích sử dụng 0,26 ha rừng để làm cầu Phước An (12.04.2022)

Cầu Phước An có chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h, nối thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.

Tại kỳ họp thứ Sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 vào chiều 12/4, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết Phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ.

Theo đó, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với diện tích 0,26 ha rừng trồng tại các lô 1a và 2a thuộc khoảnh a, tiểu khu 1, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ để thực hiện dự án cầu Phước An.
Phối cảnh cầu Phước An
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp quyết định đầu tư. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Tổng diện tích dự án là 13,19 ha, trong đó phạm vi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha.

Cầu Phước An có chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h.

Theo thiết kế, phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5m; cầu chính rộng 25m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tháp cầu trụ chính cầu Phước An làm bằng bêtông cốt thép vuốt cong vào giữa tạo kiến trúc, hình dạng “Ngọn lửa - Cánh buồm” theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, công trình sẽ khởi công khi được bố trí vốn và hoàn thành công trình sau 5 năm thi công.

Hơn 10 năm qua, hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là cảng này thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và miền Tây.

Do đó, cầu Phước An có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối cao tốc Bến Lức-Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn. Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.

Trước đó, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến hướng dẫn xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cầu Phước An ở thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, cầu Phước An là dự án giao thông trọng điểm thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư là 4.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện giai đoạn từ năm 2021-2025. Hiện tại, dự án đã được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 35 ngày 4/8/2020.
Kiến trúc dự án cầu Phước An
Vị trí dự án đi qua 2 địa bàn là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất phải thu hồi là 13,18 ha, trong đó diện tích thu hồi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4,67 ha. Công tác lập bản đồ địa chính, thủ tục thu hồi đất, giao đất của 2 địa phương đang được Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thực hiện và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.

Tuy nhiên, dự án cầu Phước An lại đang gặp khó trong việc bồi thường tái định cư vì phải thu hồi đất ở nhiều tỉnh, thành. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khoản 1 Điều 17 Nghị định số 47 chỉ quy định bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà không quy định trường hợp dự án do cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư như dự án cầu Phước An nên không xác định được cơ quan, đơn vị nào sẽ xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án cầu Phước An.

(Nguồn: https://tienphong.vn/ba-ria-vung-tau-chuyen-muc-dich-su-dung-0-26-ha-rung-de-lam-cau-phuoc-an-post1430281.tpo)

Bảng giá đất ở Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến tăng mạnh từ năm 2022

 TPO - Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ.

Ngày 27/10, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã có báo cáo việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 5 năm (2020-2024) áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2024.

Theo đó, việc điều chỉnh bảng giá đất căn cứ tình hình thực hiện bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024) áp dụng trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu; tổng hợp dữ liệu giá đất cụ thể các dự án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, các dự án giao đất, thuê đất và việc cập nhật bổ sung, đổi tên các tuyến đường mới hoàn thành trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 và 2021; lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương về định hướng xây dựng điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng cho năm 2022-2024.

Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất điều chỉnh tăng giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ; điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung cách xác định vị trí đất theo tuyến đường; điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường, đoạn đường, khu vực đã được đầu tư hoàn chỉnh, nâng cấp, hoặc điều chỉnh đổi tên tuyến đường, điểm đầu, điểm cuối tuyến đường, điều chỉnh cấp loại đường, tuyến đường.

Cụ thể:


Chi tiết bảng giá đất mà Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất.

Hiện tại, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành, địa phương bổ sung, hoàn thiện dự thảo tờ trình về việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 5 năm (2020-2024) để trình Hội đồng thẩm định.

(Nguồn: https://tienphong.vn/bang-gia-dat-o-ba-ria-vung-tau-du-kien-tang-manh-tu-nam-2022-post1388168.tpo)

Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép tách thửa đất trở lại với loạt điều kiện mới (14.10.2021)

 TPO - UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quy định mới về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Diện tích tối thiểu để tách thửa đất ít nhất là 36m2

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành quyết định số 15/2021 quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021 và thay thế cho Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành từ ngày 22/7/2019.

Bà Rịa-Vũng Tàu có quy định mới về tách thửa đất, hợp thửa đất.

Theo quy định mới, đối với thửa đất trong đô thị thực hiện tách thửa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Trường hợp chưa có quy hoạch 1/500 thì áp dụng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc được duyệt (đối với thửa đất ngoài đô thị cũng gần tương tự như trên).

Về điều kiện hợp thửa thì quyết định 15 đã bổ sung quy định điều kiện hợp thửa cho phù hợp theo khoản 23 Điều 1 của Nghị định 148/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Theo đó, việc hợp thửa phải cùng nhóm đất. Trường hợp tách một phần diện tích của một hay nhiều thửa đất để hình thành một hay nhiều thửa đất mới thì các thửa đất mới phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của quyết định này. Việc giải quyết tách thửa, hợp thửa trong trường hợp này được thực hiện đồng thời và cấp giấy chứng nhận cho thửa đất mới.

Đối với đất ở có nhà thì diện tích đất ở tối thiểu áp dụng tại khu vực đô thị (phường, thị trấn) và huyện Côn Đảo từ 36m2 trở lên và có cạnh tiếp giáp với đường giao thông không nhỏ hơn 4m, chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m tại đường phố có lộ giới nhỏ hơn 20m.

Đối với đất có diện tích từ 45m2 trở lên thì có cạnh tiếp giáp với đường giao thông không nhỏ hơn 5m và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m tại đường phố có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 20m. Tại địa bàn các xã còn lại là 40m2.

Đối với đất ở chưa xây dựng nhà ở thì diện tích đất ở tối thiểu áp dụng tại khu vực đô thị và huyện Côn Đảo là 60m2 (áp dụng cùng một mức diện tích tối thiểu tách thửa trên địa bàn huyện Côn Đảo bằng với mức quy định tại khu vực các phường, thị trấn cho phù hợp với nhu cầu thực tế). Tại địa bàn các xã còn lại là 80m2 (quyết định 18 quy định là 100m2).

Đối với đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp diện tích tối thiểu là 100m2. Đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất nông nghiệp diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách tại địa bàn các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và huyện Côn Đảo là 500m2; tại địa bàn các xã còn lại là 1.000m2.

Trường hợp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, các thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 và phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý.

Đối với những khu vực có đồ án quy hoạch riêng thì thực hiện tách thửa theo quy định quản lý đồ án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bãi bỏ nhiều quy định bất cập

Quyết định 15 bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp, gây phát sinh thủ tục hành chính như tách thửa đối với quy mô diện tích lớn; tách thửa đất nông nghiệp với quy mô diện tích lớn (lớn hơn 2.000m2 tại TP.Vũng Tàu và lớn hơn 5.000m2 tại các địa bàn khác).

Quyết định 15 bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp, gây phát sinh thủ tục hành chính.

Đồng thời, bỏ nội dung “riêng đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải đắp bờ trước khi tách thửa” cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh gây phát sinh và khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, tại quyết định 15 đã quy định Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn việc hình thành đường giao thông trước khi thực hiện thủ tục tách thửa.

Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các vấn đề có liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp biết rõ quy trình, cơ quan giải quyết việc hình thành đường giao thông, đảm bảo minh bạch, công khai.

 (Nguồn: https://tienphong.vn/ba-ria-vung-tau-cho-phep-tach-thua-dat-tro-lai-voi-loat-dieu-kien-moi-post1384629.tpo)

IDICO muốn “chia phần” Khu công nghiệp - Đô thị Cù Bị hơn 3.000ha với AMATA (13.10.2021)

Trước kiến nghị của Tổng Công ty IDICO về khảo sát, nghiên cứu đầu tư một phần Dự án khu công nghiệp - Đô thị Cù Bị, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét đề nghị của Tống Công ty IDICO tại văn bản số 721/TCT-BĐT ngày 2/9/2021.

Ban Quản lý các khu công nghiệp có ý kiến tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo quy định trong tháng 10/2021.
Trước đó vào tháng 10/2020, Tập đoàn Amata đề xuất làm khu công nghiệp 3.800 ha ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc xin nghiên cứu dự án đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức (amata cù bị).

Trong văn bản này, AMATA cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lý do là bởi tỉnh có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.HCM khoảng 100km, lại có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc quốc gia, giao thông đường bộ liên vùng được quy hoạch đồng bộ và đang dần được đầu tư phát triển.

Do vậy, Tập đoàn AMATA đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép được xúc tiến nghiên cứu để đề xuất dự án đầu tư tại địa bàn xã Cù Bị, huyện Châu Đức nhằm hình thành một khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh. Tổng diện tích khu vực đề xuất nghiên cứu khoảng 3.800 ha.

AMATA nhận định dự án này sẽ đón đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Dự án cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài và giúp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Cù Bị, huyện Châu Đức theo hướng chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Được biết, Tập đoàn AMATA hiện đang có hàng loạt khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam như: Amata Biên Hòa rộng 513 ha, Amata Long Thành (Đồng Nai) rộng 410 ha, Sông Khoai tại tỉnh Quảng Ninh rộng 714 ha. Ngoài ra, Tập đoàn Amata cũng đang đầu tư khu đô thị ở Long Thành rộng 875 ha.

Trong khi đó, IDICO (Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) được thành lập năm 2000 với xuất phát là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng. Hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp, thủy điện, giao thông, nhà ở và đô thị, thi công xây lắp. Hiện IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường gần 8.000 tỷ đồng. IDICO hiện có 22 công ty con và công ty liên kết.

IDICO đang đầu tư, quản lý 10 khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích gần 3.500ha. Trong đó, có 7 khu công nghiệp ở phía Nam, gồm: Nhơn Trạch 1 (445 ha), Nhơn Trạch 5 (310 ha) tỉnh Đồng Nai; Mỹ Xuân A (309 ha), Mỹ Xuân B1 (214 ha), Phú Mỹ 2 (620 ha), Phú Mỹ 2 mở rộng (403 ha) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hựu Thạnh (524 ha) tỉnh Long An; 3 khu công nghiệp ở phía Bắc, gồm: Kim Hoa (50 ha) tỉnh Vĩnh Phúc; Quế Võ 2 (269 ha) tỉnh Bắc Ninh và Cầu Nghìn (184 ha) tỉnh Thái Bình.

Châu Đức quy hoạch loạt khu công nghiệp
Tháng 3/2021, UBND huyện Châu Đức có văn bản số 814/UBND-KTHT gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh về việc ý kiến về dự kiến quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Châu Đức định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Khu đô thị - Công nghiệp công nghệ cao Cù Bị với quy mô 3.000 ha, là dự án có quy mô lớn nhất. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Xà Bang với diện tích dự kiến 1.200 ha, thời gian thực hiện năm 2026 - 2030, tầm nhìn 2050;

Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Bình Ba với quy mô 800 ha và thời gian thực hiện 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, huyện Châu Đức cũng sẽ mở rộng thêm khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 700 ha.

Hiện nay, Châu Đức đang có 2 khu công nghiệp quy mô lớn là cụm khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức (2.287 ha) và khu công nghiệp Đá Bạc (1.058 ha). Bên cạnh đó là khá nhiều cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Năm doanh nghiệp muốn đầu tư 19200 tỷ đồng vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ (28.09.2021)

 TPO - Đến thời điểm hiện tại, có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội-Geleximco và Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế-ITC (liên danh Geleximco-ITC); liên danh Việt Nam-EU giữa Besix-Boskalis-Hateco; Công ty CP IMG Innovations; Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Ngày 28/9, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã có quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ.

Theo quyết định, tổng diện tích dự án khoảng 1.763ha. Vị trí cụ thể như sau: phía Đông, Đông Bắc giáp sông Mỏ Nhát; phía Đông, Đông Nam giáp sông Cá Cóc; phía Nam, Tây Nam giáp sông Tắc Lớn; phía Bắc, Tây Bắc giáp Rạch Ông; phía Bắc, Đông Bắc giáp đường 991B.

Các hạng mục xây dựng dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, gồm công trình giao thông; san nền, thoát nước mưa; các công trình cấp nước; các công trình thoát nước thải; các công trình cấp điện; các công trình thông tin liên lạc; hạng mục nạo vét khu bến; bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu; thiết bị bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu và các công trình phụ trợ có liên quan.

Giá trị chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư dự án là 652 triệu đồng, sử dụng ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư thực hiện bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội-Geleximco và Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế-ITC (liên danh Geleximco-ITC); liên danh Việt Nam-EU giữa Besix-Boskalis-Hateco; Công ty CP IMG Innovations; Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có văn bản gửi các sở, ngành liên quan đồng ý phê duyệt kế hoạch thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án, dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào quý 3/2022.

Sở Giao thông Vận tải được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo đề nghị của Sở tại công văn số 1429 ngày 21/5/2021. Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát hiện trạng, đề xuất giải pháp thanh lý hợp đồng đối với các hộ nhận giao khoán rừng trong khu vực dự án. Rà soát, lập hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, có ý kiến tham mưu, đề xuất. UBND thị xã Phú Mỹ rà soát, xây dựng phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ.

Dự án có tổng diện tích 1.763ha, gồm 4 phân khu chính là Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984ha); khu mặt nước gồm khu nước luồng, vũng quay tàu, khu nước trước bến (456ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (198ha) và khu nước tiềm năng (125ha).

Dự kiến, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và bến cảng khoảng 19.336 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 từ năm 2021-2024, giai đoạn 2 năm 2025-2027 và giai đoạn 3 năm 2028-2030.

Dự án này lúc đầu có tên là cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ do Công ty Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vũng Tàu Shipyard, gọi tắt là VTSC) làm chủ đầu tư, được chấp thuận chủ trương từ năm 2006, tiến độ theo chứng nhận đầu tư là hoàn thành toàn bộ vào năm 2015.

Dự án này lúc đầu có tên là cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ do Công ty Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vũng Tàu Shipyard, gọi tắt là VTSC) làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích đất khoảng 86ha, quy mô đón nhận các tàu tải trọng lên tới 160.000 DWT, tổng vốn đầu tư khoảng 10.235 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó dự án này được xác định vi phạm Luật Đất đai và có quyết định chấm dứt hoạt động vào năm 2017 từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tháng 11/2015, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân) có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin phép được cùng doanh nghiệp tại địa phương là Công ty Xây dựng Đầu tư và Phát triển Cảng biển Tân Phú Thịnh tiếp quản và đầu tư xây dựng cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.

Đến đầu năm 2017, Geleximco xin chủ trương Chính phủ đầu tư hai dự án (trong đó có cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ). Tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu về dự án và có báo cáo về các vấn đề liên quan. Ngày 30/12/2020, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là Trung tâm logistics hạng 1 thuộc vùng Đông Nam Bộ.

(Nguồn: http://tienphong.vn/nam-doanh-nghiep-muon-dau-tu-19-200-ty-dong-vao-trung-tam-logistics-cai-mep-ha-post1380268.tpo)

QuyHoachPhuMy