Hiển thị các bài đăng có nhãn gocnhin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn gocnhin. Hiển thị tất cả bài đăng

5 Xu hướng đầu tư Bất động sản năm 2023

Khi bạn nắm được 5 xu hướng dưới đây, bạn có thể xem xét chuyển hướng sản phẩm, cũng như sắp xếp các công việc của mình phục vụ cho nhu cầu thị trường.
5 Xu hướng đầu tư Bất động sản năm 2023
XU HƯỚNG 1: Dịch chuyển từ Bất động sản ĐẦU CƠ sang Bất động sản TIÊU DÙNG.
Người mua Bất động sản thường có 2 nhóm: một là ĐẦU TƯ và hai là người mua để TIÊU DÙNG.
Trong bối cảnh siết tín dụng, lãi suất ngân hàng đang tăng thì khách đầu tư ít dần, lúc này chủ yếu là khách tiêu dùng.
Bất động sản đầu cơ: là những mảnh đất ở xa, mua và để đó, chờ đủ lâu, tăng giá và bán.
Bất động sản tiêu dùng: đất dùng để xây nhà ở, làm văn phòng hoặc kho xưởng. hay Mua để phục vụ công việc kinh doanh như: làm vận chuyển, làm giáo dục, y tế,...
Như vậy bạn có thể xem xét dịch chuyển sản phẩm mình kinh doanh từ Bất động sản đầu cơ sang loại Bất động sản tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dùng cuối này.

XU HƯỚNG 2: Dịch chuyển từ Bất động sản ở VEN ĐÔ về TRUNG TÂM, từ xa về gần.
Nhiều bạn đầu tư Bất động sản ở xa trung tâm, cách 3-4h di chuyển thì chuyển về đầu tư cách trung tâm 30-40 phút.
Mục tiêu của việc dịch chuyển này là đáp ứng tính thanh khoản (thanh khoản xếp số 1).
Thanh khoản tức là muốn bán tài sản thì có người mua nhanh, chuyển thành tiền mặt nhanh.
Trung tâm được hiểu là các thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cách hiểu thứ 2 là trung tâm các thành phố, các tỉnh, Thị Xã,...
Tất nhiên việc dịch chuyển từ ven đô về trung tâm, từ xa về gần này phù hợp với những nhà đầu tư với chiến lược đánh ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm), còn nhà đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn 3-5 năm trở lên thì họ vẫn mua ở xa.
Xu hướng thứ hai này phù hợp với các bạn đánh ngắn, ưu tiên tính thanh khoản

XU HƯỚNG 3: SĂN TÀI SẢN THANH LÝ, “NGỘP”.
Trong giai đoạn này bạn có thể đi xem và trả giá các Bất động sản giảm được từ 15-20%.
Nhiều người hiện nay đang vay ngân hàng, áp lực trả lãi ngân hàng sẽ phải chấp nhận bán cắt lỗ.
Lúc này thời gian là kẻ thù của người bán, càng kéo dài càng mệt mỏi, càng áp lực. Khó khăn của người này, là cơ hội của người khác.
Lưu ý: Chúng ta nên tách ra làm 2 loại, có những nơi, những loại hình Bất động sản ví dụ đất ở khu vực xa xôi nó sẽ xuống nữa nếu như nó xuất phát từ giai đoạn sốt ảo.
Tuy nhiên có những khu vực, loại hình Bất động sản ở trung tâm, mặt đường to, vị trí đẹp, nguồn cung không nhiều thì có khi hở ra là vẫn mất hàng. Lúc thị trường trầm lắng, bạn có thể mua được nhiều tài sản ngon mà trước đó ít khi xuất hiện.
Chú ý: Thời điểm này nên tỉnh táo để phân biệt được tài sản ngon bán giá “ngộp” và tài sản giá rẻ vì có vấn đề (pháp lý, phong thủy, quy hoạch, hay sản phẩm từ giai đoạn sốt ảo,...)

XU HƯỚNG 4: TỪ Bất động sản LÃI VỐN sang Bất động sản DÒNG TIỀN.
Bất động sản lãi vốn là gì: Là Bất động sản bạn mua giá 10 đồng, tăng lên thành 12, 13, 20 đồng.
Bất động sản dòng tiền: là bất động sản có thể khai thác thu tiền về hàng tháng, hàng năm theo tỷ suất 5-10%/năm, sau này giá trị bất động sản tăng tính sau.
Bạn có thể đầu tư Bất động sản dòng văn phòng, cho thuê thu tiền hàng tháng, Bất động sản nghỉ dưỡng để khai thác ăn chia với chủ đầu tư.
Tính ra Bất động sản dòng tiền sẽ phân ra 3 loại:
+ Dòng tiền thấp
+ Dòng tiền cao
+ Dòng tiền ổn định và không ổn định.
Thời gian qua có những câu chuyện chủ đầu tư cam kết với nhà đầu tư khai thác cho thuê cam kết 10-12%/năm. Tuy nhiên hết thời hạn 5 năm thì chủ đầu tư báo lỗ, nhà đầu tư náo loạn, lúc này mới biết là đầu tư kiểu này không hiệu quả.
Nhiều người đã dịch chuyển sang loại hình bất động sản dòng tiền này: mua đất xây tòa nhà cho thuê, mua đất đầu tư khách sạn, homestay,...

XU HƯỚNG 5: GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
Nhiều người xác định điểm vào và điểm ra khi đầu tư bất động sản.
Giai đoạn này phù hợp làm pháp lý: ví dụ tách thửa, 1 số tài sản tách làm 2-3 vòng. Nhiều trường hợp thì giai đoạn này làm chuyển đổi mục đất sử dụng đất, cải tạo, làm mặt bằng.
Một số chủ đầu tư thì giải phóng mặt bằng, làm thủ tục pháp lý.
Giai đoạn rất tuyệt vời để làm pháp lý cho bất động sản
Giai đoạn này một số bạn cũng tập trung học tập, kết nối, phát triển cá nhân.
Sự nghiệp bất động sản của bạn là 20-30 năm thì dành một vài năm để học tập và phát triển cá nhân là điều tất nhiên rồi.

Thì bài học rút ra dành cho các bạn là, cứ sau 2 đến 3 năm mà thu nhập của bạn không gia tăng được, tức là bạn đang bị giới hạn về nhận thức, và đến lúc bạn nên có một công cụ mới.
Ngồi ở nhà thì không nghĩ ra được, Giai đoạn này một số bạn vẫn tích cực đi xem và tìm cơ hội.
Cũng có nhiều người đang quan sát và chờ tín hiệu kinh tế vĩ mô điều chỉnh như tình hình siết tín dụng, tăng lãi suất, tình hình chiến tranh,...

Lỡ đất vùng ven khi ôm mộng nhà Sài Gòn

Nhiều người đã hối tiếc khi đã không mua đất ở quận 2, quận 9 (cũ), Bình Chánh vì khi đó nơi này còn thưa thớt người ở.
Một góc nhìn về Quận 2 hiện tại.
Đất ở Sài Gòn dĩ nhiên có giá rất mắc, vượt quá tầm với của nhiều người. Thế nhưng, họ lại không chịu về vùng ven, các tỉnh giáp ranh để có nhiều cơ hội mua đất, nhà hơn.

Tôi nhận thấy các bạn cứ đòi đất phải rẻ nhưng toàn muốn mua đất trung tâm, đất thành phố lớn, đất ở nơi nhộn nhịp nhiều tiện ích. Thực tế chua chát nhưng các bạn phải thấm cái câu "tiền nào của nấy".

Nhiều bạn cứ nghe đất Long An là dị ứng, vì bị lừa là đất Bình Chánh. Nhưng ở Long An mà sát Bình Chánh thì đi vào các bệnh viện ở quận 5 cũng có 35-45 phút. Cũng gần như là ở Bình Chánh rồi mà giá đất còn mềm.

Nhiều người cứ ôm mộng cố phải có bằng được cái nhà Sài Gòn. Rồi họ không chịu ra vùng ven, chê xa, chê không phát triển. Đến khi thấy được sự phát triển rõ rệt như quận 2, Nhà Bè, đem tiền qua đó làm gì mua nổi?

Các bạn đi mua đất luôn có suy nghĩ này. Khi khu đó chưa có ai về cất nhà ở thì các bạn chê không mua. Một ngày đẹp trời, vô tình qua đấy, nhà ở đầy bạn lại vào đó muốn tìm nhà. Đến khi hỏi giá thì hết hồn, không ngờ chỉ 1-2 năm mà tăng khiếp vậy? Nhưng mua đất thì chỉ tiềm năng và có giá rẻ khi chưa có ai ở. Người dân đã ở nhiều, lúc đó mua thì sẽ đắt hơn giá ban đầu gấp 2-3 lần là còn đỡ, có nơi gấp 6-7 lần.

Giá bất động sản luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển. Nơi nào phát triển mạnh nơi đó giá đất cao. Nếu muốn có đất mà không có tiền nhiều thì nên chấp nhận mua xa, khi nào chỗ đấy phát triển thì chuyển về ở.

Còn ai cũng muốn đất rẻ mà toàn muốn ở mấy nơi trung tâm, cao cấp. Bao năm qua chắc chắn có rất nhiều người chờ cái gọi là bong bóng, hay chờ giá đất giảm. Vậy giá đất có giảm không?

Đã không có chuyện đó rồi thì trách móc làm gì cho mệt. Tôi sẽ tìm cách để mua được bất động sản. Trách móc hay chờ đợi một chính sách gì đấy nhiều khi còn khó hơn là kiếm tiền, tiết kiệm.

Giá đất nếu không thay đổi được thì buộc bản thân phải thay đổi để có đất thôi.

(Nguồn: https://vnexpress.net/lo-dat-vung-ven-khi-om-mong-nha-sai-gon-4455763.html)

Mẹ bán mảnh đất 500 triệu đồng cho tôi đi học Đại Học, giờ giá đất lên 5 tỷ, còn tôi lương chỉ 5 triệu/tháng

Tôi cố phấn đấu lương tăng lên 20 triệu đồng/tháng, thâm tâm sẽ tích cóp mua lại mảnh đất cũ tặng mẹ. Nhưng giá đất cứ leo thang cao vút…

Cha mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, để con bằng bạn bằng bè, không thua kém ai. Đặc biệt tính đến chuyện học hành, cha mẹ đều coi đây là những khoản đầu tư đáng giá nhất mà hết sức dành dụm, tiết kiệm từng đồng và thậm chí là hy sinh trong nhiều cách khác nhau để con có một tương lai sáng lạng hơn.

Tuy nhiên, một điều khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt ở những gia đình không khá giả mấy, họ đều canh cánh nỗi lo: đầu tư cả gia tài cho con đi học xong, không biết học hành "ấm vào thân" được bao nhiêu không nhưng những gì nhận lại được chỉ là những ngày tháng con vùi mặt vào công việc, lương thưởng gửi về chẳng được là bao, cộng với khoản nợ trước đây chồng chất lên từ hồi vay mượn cho con đi học.
1)
Mẹ tôi cả đời làm nông dân, tần tảo sớm hôm để lo cho tôi học hết lớp 12. Tôi thi đỗ đại học, mẹ mừng lắm nhưng nước mắt cứ chảy dài.

Thế rồi, mẹ bán mảnh đất 1000m2 được 500 triệu, gửi tiết kiệm để lo cho tôi ăn học đại học ở Hà Nội. Mẹ bảo, cả đời mẹ đầu tắt mặt tối rồi, con phải học thành người để có công ăn việc làm ổn định.

Tôi lao vào học, thi thoảng đi làm gia sư để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Rồi tôi cũng ra trường, định về quê xin việc cho gần mẹ, nhưng không có tiền chạy việc nên quyết bám trụ lại Hà Nội.

Lúc mới ra trường, tôi chạy grab để có tiền trang trải chi phí nhà trọ và sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, tôi xin được vào làm nhân viên của một công ty nhỏ, lương 5 triệu/tháng. Mức lương này cũng chỉ đủ chi phí cho tôi chi tiêu hàng ngày, chưa để ra được đồng nào biếu mẹ.

Hôm vừa rồi về quê thăm mẹ, mẹ vui khi biết tôi đã có công ăn việc làm tương đối ổn định. Mẹ bảo, đời mẹ vất vả, giờ thấy con vậy là yên tâm rồi.

Hay tin tôi về, mấy bác hàng xóm sang chơi. Sau câu chuyện xã giao, họ hỏi han tình hình của tôi. Có người dò hỏi lương nhưng tôi không hứng thú chia sẻ chuyện này.

Có bác hàng xóm bảo, mảnh đất mà ngày trước mẹ tôi bán, giờ lên giá 5 tỷ rồi. Vừa rồi người ta mới bán lại, có khi tới đây giá còn tăng vì đất bám mặt đường.

Mẹ tôi chỉ cười, không nói gì. Nhưng tôi thì cứ suy nghĩ mãi. Vì từ lâu, tôi đã có ý nghĩ sẽ dành tiền để mua lại đất cho mẹ. Nhưng cứ đi làm như hiện nay, kể cả lương có tăng lên 20 triệu/tháng thì tôi cũng không thể đủ tiền mua lại mảnh đất ấy.

Tôi thấy áy náy và rất khổ tâm vì chuyện này.

(2)
Mới đây, tòa án Nhân dân huyện Lâm An, thành phố Hàng Châu, Chiết Giang vừa xét xử tranh chấp về các khoản chi phí học tập cho con, sau ly hôn. Trước đó vào tháng 7, toà án nhận được đơn kiện của bà Khâu, vợ cũ ông Trương, yêu cầu ông phải trả 100.000 tệ (328 triệu đồng) cho tiền học của con.

Ban đầu, ông Trương và vợ là bà Khâu một người làm kinh doanh, một người làm doanh nghiệp nhà nước. Khi giá nhà thấp, họ tích luỹ mua được 3 căn nhà ở Lâm An, Hàng Châu. Nhiều người ghen tỵ với thành quả họ tích cóp được. Nhưng kể từ khi con gái họ, Tiểu Ngọc, bước chân vào con đường nghệ thuật, mọi thứ thay đổi.

Thành tích học tập của cô bé không tốt. Bà Khâu thấy con gái thích sáo trúc và "cũng có tài" nên bàn với chồng cho con theo con đường nghệ thuật. Người xưa nói "dùng nghèo nuôi con trai, dùng giàu nuôi con gái ", vì thế, họ làm bất cứ đều gì cho Tiểu Ngọc.

Từ lúc Tiểu Ngọc học trung học cơ sở, bà đã cùng con gái lên Bắc Kinh thuê nhà, vừa học văn hoá vừa theo học nghệ thuật của một giáo viên nổi tiếng. Sau đó bà xin nghỉ ốm ở cơ quan dài ngày, rồi tiếp đến bán hai ngôi nhà đầu tư hết vào con.

Chỉ mình ông Trương làm việc, không thể đảm đương chi phí đào tạo ngày một cao và nhiều khoản phát sinh của con gái. Để kiếm được nhiều tiền hơn, ông đã đầu tư chứng khoán, có giai đoạn trúng lớn, nhưng cuối cùng thất bại, nợ hơn một triệu tệ.

Về phần Tiểu Ngọc, vì theo đuổi nghệ thuật nên điểm các môn văn hoá ngày càng tệ. Năm con lên cấp 3, ông phải bán ngôi nhà thứ 3 để lo chi phí học.

Hơn thế, vợ chồng ông Trương và bà Khâu xa cách lâu ngày. Những mâu thuẫn, khác biệt khiến họ không tìm được tiếng nói chung. Năm 2017, cuộc hôn nhân của ông Trương và bà Khâu chấm hết. Mỗi tháng ông trợ cấp nuôi con 2.000 tệ cho đến khi Tiểu Ngọc tự lập.

"Trong mười năm qua, suy nghĩ lớn nhất của tôi là dành cho con. Nhưng trong tờ giấy thoả thuận cuối cùng chỉ đơn giản là '2.000 tệ mỗi tháng'", ông Trương xót xa nói.

Điều khiến ông Trương buồn là khi ly hôn, cô con gái đứng về phía mẹ. Đến một cuộc gọi để nghe giọng con cũng trở nên xa xỉ. "Tôi trở thành cỗ máy in tiền cho con gái. Nhưng trong mắt con, đến cuối cùng cũng chỉ có mẹ", ông tự cười mình.
Thành tích học tập của Tiểu Ngọc rất tệ. Trước kỳ thi đại học năm nay, bà Khâu muốn đầu tư một khoá học "chạy nước rút" cho con, học phí 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng). Nhưng cuối cùng, Tiểu Ngọc vẫn không đậu.

Tuy nhiên, bà Khâu nghĩ chồng cũ nên trả nửa tiền đào tạo của con gái và yêu cầu ông Trương phải chịu cùng. Ông Trương không đồng ý nên bị kiện. Cuối cùng, toà án phán quyết 200.000 tệ này không phải là chi phí giáo dục cần thiết, ông Trương không có nghĩa vụ phải chi trả.

Dù thắng kiện, nhưng ông cũng không thể hạnh phúc. Vì giáo dục của con gái, không ngờ cuối cùng vợ chồng ly tán, ông Trương trở thành kẻ cô độc. "Sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi là bán 3 ngôi nhà để nuôi con gái giàu, để con theo nghệ thuật", ông Trương than thở trên toà.

Như vậy, các gia đình cần suy tính lại một cách kỹ lưỡng, để làm sao con học được tính độc lập và tự chủ trong cuộc đời của mình nhiều hơn. Chính những bài học, va vấp trong cuộc đời mới là những thứ đáng quý giúp học trở thành người khôn ngoan, ưu tú trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, chứ không chỉ là những kiến thức học thuật có được trên giảng đường.

Kiến thức hoàn toàn có thể đạt được theo nhiều cách khác nhau, không thể chỉ có thông qua việc đánh đổi một số tiền lớn, để rồi gia đình lâm vào cảnh bần cùng, và rồi cả con cái lẫn ba mẹ đều trở nên khó xử không biết than ai!
(Nguồn: https://cafef.vn/me-ban-manh-dat-500-trieu-dong-cho-toi-di-hoc-dai-hoc-gio-gia-dat-len-5-ty-con-toi-luong-chi-5-trieu-thang-20220314170651593.chn)

Giá đất tăng 'phi mã', tiết kiệm 5 năm không mua nổi miếng đất quê

Giá đất vùng ven nhiều tỉnh đang diễn ra sôi động và liên tục tăng giá, không ít người dù đi làm tại thành phố sau nhiều năm tiết kiệm vẫn không đủ mua một mảnh đất ở quê.

Chị Dung (quê Nam Định) cho biết, chị tốt nghiệp ra trường đi làm cũng đã gần 10 năm. Hai vợ chồng chị thu nhập mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Sau khi lập gia đình chị luôn nung nấu ý định mua nhà Hà Nội để gia đình có không gian sống tốt hơn, vợ chồng chị cũng yên tâm “lạc nghiệp”.

Trong tay chị hiện đang có khoảng gần 1 tỷ đồng, nhưng giá nhà Hà Nội ngày càng tăng phi mã, giá chung cư hay nhà tập thể cũ cũng nóng dần lên trong thời gian gần đây. Những căn hộ nhỏ 2 phòng ngủ ở vùng ven bây giờ cũng phải tầm 1,5-1,7 tỷ đồng/căn. Gia đình 2 bên đều khó khăn nên không thể hỗ trợ. Số tiền còn thiếu anh chị cũng không dám vay ngân hàng vì sợ áp lực trả nợ khiến gia đình lục đục. Giấc mơ có nhà Hà Nội của chị chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.

Chị bàn với chồng hay dùng số tiền đó mua một miếng đất ở quê để đầu tư, khi nào đất lên thì bán đi lấy tiền mua chung cư ở Hà Nội, dù sao thì giá đất nền cũng tăng nhanh hơn chung cư.
Sốt đất, mảnh đất quê khi xưa tưởng không có giá trị nay cũng tăng giá.
Đợt vừa rồi về quê ăn giỗ, chị nghe hàng xóm kháo nhau giá đất đang tăng lên chóng mặt. Thỉnh thoảng lại thấy người vào xóm hỏi xem có nhà ai bán đất không. Mảnh đất trong ngõ trước chỉ 5-7 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 15-18 triệu/m2, đất mặt đường nhựa là 20-25 triệu/m tùy vị trí.

Chị cũng nghĩ giá đất tăng nhưng không ngờ lại tăng phi mã như vậy. Mảnh đất 90m2 mặt đường trước cửa nhà chị trước kia chủ nhà rao giá gần 950 triệu không ai mua mà chỉ sau 1 năm, qua tay vài nhà đầu tư (môi giới bđs) miếng đất đã được sang tên chủ mới với giá 1,7 tỷ đồng.

Như vậy với số tiền 1 tỷ đồng, vợ chồng chị không thể mua được mảnh đất đẹp mặt đường có khả năng sinh lời cao, mà chỉ mua được đất trong ngõ hoặc diện tích nhỏ.

Còn anh Thịnh (sinh năm 1990, quê Bắc Giang) cho biết, năm 2013 anh tốt nghiệp đại học tại Hà Nội và đi làm với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đủ để anh chi tiêu sinh hoạt và gửi về quê nên chưa có tiền tích lũy.

5 năm sau với kinh nghiệm trong tay, mức lương của anh tăng dần lên 15 triệu rồi 20 triệu/tháng. Lúc này anh mới tính đến việc tiết kiệm để mua nhà, lấy vợ. Hiện tại anh có trong tay khoảng 600 triệu đồng. Với số tiền này anh cũng chưa dám nghĩ đến việc mua nhà hay đất bởi nó chẳng thấm vào đâu với giá nhà đất đang lên cơn sốt như hiện nay.
Giá đất tăng phi mã, không ít người dù đi làm tại thành phố sau nhiều năm tiết kiệm vẫn không đủ mua một mảnh đất đẹp ở quê.
Đợt Tết vừa rồi về quê, anh Thịnh rất ngỡ ngàng khi mới chỉ trong 2 năm giá đất ở quê có mảnh đã tăng từ 3 đến 5 lần. Các nhà đầu tư xuất hiện tại nông thôn khiến tình hình giao dịch đất đai ở làng trên xóm dưới trở nên nhộn nhịp. Đi tới đâu cũng râm ran chuyện mua bán đất.

Có những mảnh đất nằm trong đường ngõ trước kia tưởng như không có giá trị thì nay cũng lên đến 5 - 7 triệu đồng/m2. Có mảnh đất đấu giá ở dự án khu đô thị cũng lên tới 25-30 triệu đồng/m2.

Nhiều người trong làng trước kia chỉ làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nhưng sau khi bán đất, họ đã có tiền tỷ trong tay để xây lại nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Bạn bè cùng trang lứa ở quê đều đã yên bề gia thất khiến bố mẹ anh càng sốt ruột và lo lắng. Bố mẹ còn khuyên anh hay về quê xin việc, nhà đất của ông bà ở quê cũng rộng rãi, thoải mái, đỡ phải lo mua nhà mua cửa. Bởi với tình hình giá đất leo thang như vậy, không biết đến bao giờ anh mới có mảnh đất “cắm dùi”.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, kết hợp với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra đã tác động mạnh đến sự phát triển của bất động sản. Theo đó, giá đất đã tăng mạnh, nhiều vùng quê trước kia giá đất chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 thì nay có nơi đã đến vài chục triệu đồng/m2.

"Hệ quả là khi giá đất thiết lập một mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của người dân và không ít người dù có nhu cầu ở thực cũng không thể mua nổi đất", một vị chuyên gia nhận định.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/gia-dat-tang-phi-ma-tiet-kiem-5-nam-khong-mua-noi-mieng-dat-que-826831.html)

Cách tính dự trù kinh phí xây nhà theo mét vuông xây dựng

Dự trù kinh phí xây nhà chính xác góp phần xây dựng nên ngôi nhà đẹp, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu thời gian và công sức của gia chủ.
Tại sao bạn nên lập bảng dự trù kinh phí trước khi xây nhà?
Xây dựng nhà cửa là chuyện lớn trong đời. Dành thời gian lập bảng dự trù kinh phí xây nhà chính xác sẽ giúp bạn:
  • Chuẩn bị tiền xây nhà.
  • Quyết định mức đầu tư và quy mô xây dựng.
  • Thương thảo đơn giá xây nhà với nhà thầu xây dựng.
Những chi phí nào liên quan đến dự trù kinh phí xây nhà?
Xây dựng nhà cửa liên quan đến nhiều hạng mục, trong thời gian dài nên cũng có nhiều khoản chi phí liên quan như:
  • Chi phí thiết kế xây dựng nhà.
  • Chi phí xin giấy phép xây dựng và đo đạc
  • Chi phí xây dựng nhà phần thô.
  • Chi phí xây dựng nhà phần hoàn thiện.
  • Chi phí trang trí nội – ngoại thất.
  • Chi phí hoàn công xây nhà.
  • Chi phí phát sinh khác (nếu có).
Ghi chú: Các khoản chi phí xây nhà có thể thay đổi theo yêu cầu xây dựng, pháp luật và tập quán xây dựng từng địa phương.
Những cách để tính dự trù kinh phí xây nhà?
Trong xây dựng nhà ở riêng lẻ gia đình hiện nay thường dùng 2 cách để tính dự trù kinh phí xây nhà đó là:
  • Cách tính dự toán kinh phí xây nhà theo m2 xây dựng.
  • Cách tính dự toán kinh phí xây nhà theo bóc tách khối lượng và đơn giá.
Cách tính dự toán chi phí xây nhà theo m2 xây dựng được sử dụng nhiều. Ưu điểm: Dễ tính cho nhà thầu xây dựng và dễ hiểu cho gia chủ/ chủ đầu tư. Nhược điểm: Mức độ chính sác không cao bằng cách tính theo bóc tách khối lượng, đơn giá.

Cách tính dự trù kinh phí xây nhà 3 tầng theo m2 (mét vuông) xây dựng.
Bạn có kế hoạch xây nhà 3 tầng, diện tích xây dựng mỗi sàn là 75m2, móng cọc BTCT và mái BTCT. Bạn muốn biết cách tính để dự trù chi phí xây nhà?
Cách tính diện tích tính chi phí xây nhà theo m2 xây dựng.

Chi phí xây nhà = diện tích x đơn giá xây nhà theo m2 xây dựng.
Phần móng nhà.
  • Nếu móng đơn = Diện tích x hệ số 40%.
  • Nếu móng cọc = Diện tích x hệ số 30%,
  • Nếu móng bè = Diện tích x hệ số 50%.
Các tầng (bao gồm trệt, lầu, chuồng cu (nếu có)) = Diện tích x hệ số 100%.

Phần mái nhà:
  • Mái BTCT = Diện tích x hệ số 50%
  • Mái Tole = Diện tích x hệ số 20%
  • Mái BTCT dán ngói = Diện tích mặt nghiêng x hệ số 100%
  • Mái ngói kèo sắt = Diện tích mặt nghiêng x hệ số 70%
Ghi chú: Mỗi nhà thầu có thể có hệ số tính đơn giá xây dựng khác nhau. Ban nên quan tâm đến tổng chi phí xây nhà giữa các nhà thầu để so sánh.

Cách tính dự trù chi phí xây nhà 3 tầng 75m2, mái BTCT.
  • Móng cọc = Diện tích sàn x hệ số 30% = 75m2 x 30% = 22,5m2
  • Tầng 1 = Diện tích sàn x hệ số 100% = 75m2 x 100% = 75m2
  • Tầng 2 = Diện tích sàn x hệ số 100% = 75m2 x 100% = 75m2
  • Tầng 3 = Diện tích sàn x hệ số 100% = 75m2 x 100% = 75m2
  • Mái BTCT = Diện tích sàn x hệ số 50% = 75m2 x 50% = 37,5m2.
Tổng diện tích xây dựng: 285m2.
  • Với đơn giá xây dựng phần thô là 3,3 triệu đồng/m2 thì dự trù chi phí xây dựng phần thô và nhân công hoàn thiện là: 940,5 triệu đồng.
  • Với đơn giá xây nhà trọn gói là 5,3 triệu đồng/m2 thì dự kiến chi phí xây nhà trọn gói là: 1.510,5 triệu đồng.
Ghi chú: Bạn nên tham khảo đơn giá xây dựng tại địa phương để có dự trù chi phí xây nhà được chính xác và hợp lý nhất.

Những lưu ý khi tính dự trù chi phí xây nhà.
Chi phí xây nhà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Quy mô, kiến trúc, vị trí xây dựng, thời điểm xây dựng, v/v. Kinh nghiệm để dự trù kinh phí xây nhà là:
  • Gửi bản thiết kế cho 2-3 nhà thầu xây dựng để yêu câu báo giá, chi phí xây nhà.
  • Tham khảo chi phí xây dựng của mẫu nhà tương tự ở khu vực dự kiến xây dựng.
  • Tham khảo bạn bè, người thân có kinh nghiệm trong xây dựng nhà ở.

Đầu tư BĐS qua góc nhìn của Robert Kiyosaki

“Thị trường bất động sản luôn tồn tại. Trong một thế giới văn minh, một mái nhà trên đầu cũng cần thiết như thức ăn, quần áo, năng lượng và nguồn nước”. Đó là lời giới thiệu mở đầu cuốn sách nổi tiếng có tựa đề The Real Book of Real Estate (Cẩm nang đích thực về đầu tư bất động sản) của Robert Kiyosaki.

Trong cuối sách này, tác giả cuốn sách Cha giàu – Cha nghèo không chỉ khẳng định sự hiện hữu tất yếu của bất động sản, mà còn cho thấy vai trò và tiềm năng to lớn của thị trường này trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Suốt hơn 10 năm kể từ khi ra đời, cuốn sách vẫn thể hiện nhiều góc nhìn đầu tư sắc bén và có giá trị trong một thị trường bất động sản ngày càng trở nên sôi động, bất chấp ảnh hưởng từ những thách thức mang tính thời đại liên tục diễn ra trên toàn cầu.

Từ tài chính cá nhân đến đầu tư bất động sản
Tác giả, diễn giả, nhà đầu tư kiêm doanh nhân Robert Kiyosaki gây tiếng vang lớn vào năm 1997 khi ra mắt cuốn sách Rich Dad Poor Dad, từng được tái bản nhiều lần tại Việt Nam dưới tên gọi Cha Giàu Cha Nghèo. Tính đến nay, ông đã viết khoảng 26 đầu sách về chủ đề tài chính cá nhân với hàng chục triệu bản được tiêu thụ trên toàn cầu, đồng thời là chủ sở hữu của nhiều công ty về đầu tư và giáo dục tài chính. Cùng với Rich Dad Poor Dad, hai cuốn sách khác của ông là Rich Dad’s Cashflow Quadrant và Rich Dad’s Guide to Investing đều từng được xếp vào danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất của ba tờ báo danh tiếng The Wall Street Journal, USA Today và New York Times.

"Kiyosaki vẫn kiên trì với các quan điểm về làm giàu dựa trên kiến thức về BĐS và tài chính. Bên cạnh đó ông cũng khuyên nhà đầu tư phải xây dựng một kế hoạch bài bản và dài hạn để khai thác hiệu quả BĐS và dòng tiền."

Các cuốn sách và bài giảng của Kiyosaki truyền cảm hứng lớn lao để người đọc khởi nghiệp và làm giàu thông qua kinh doanh riêng hoặc đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, đá quý, vàng bạc và dầu mỏ. Trọng tâm triết lý của ông thường xoay quanh việc phát triển kiến thức về tài chính cá nhân dựa trên kinh nghiệm từ thực tế thay vì lý thuyết từ sách vở. Trong đó, ông đề cao vai trò của thu nhập thụ động; định nghĩa lại và phân biệt các khái niệm tài sản và tiêu sản; đồng thời sáng tạo ra mô hình kim tứ đồ đề cập đến 4 cách thức cơ bản để tạo ra tiền bạc.

Ngoài giáo dục tài chính cá nhân, Kiyosaki còn được biết đến với những tiên đoán về hiện tượng bong bóng bất động sản tại Mỹ vào năm 2008, hay sự sụp đổ của Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 thế giới.

Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, Kiyosaki vẫn kiên trì với các quan điểm về làm giàu được thể hiện xuyên suốt qua các cuốn sách đã xuất bản. Do đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức về bất động sản và tài chính, nhưng cũng hướng nhà đầu tư xây dựng một kế hoạch bài bản và dài hạn để khai thác hiệu quả bất động sản và dòng tiền, từ đó tạo ra nhiều của cải hơn và tiến xa hơn trên con đường tự do tài chính.

Cuốn sách The Real Book of Real Estate của Kiyosaki ra mắt vào năm 2009 thể hiện rõ nét nhất những tư duy này và vẫn chứng minh nhiều quan điểm đúng đắn cho đến ngày nay.

Đầu tư BĐS phải là một chiến lược dài hạn dựa trên nền tảng kiến thức sâu rộng
The Real Book of Real Estate tập hợp những kiến thức, kinh nghiệm và lời khuyên về đầu tư bất động sản từ 22 chuyên gia kỳ cựu tại Mỹ. Được coi là sách gối đầu giường của nhiều nhà đầu tư bất động sản, The Real Book of Real Estate kể những câu chuyện có thực của các chuyên gia đa ngành này qua nhiều năm tham gia vào thị trường, cùng những thành công và thất bại mà họ đã nếm trải.

Từng câu chuyện được sắp xếp khoa học theo vòng đời phát triển của một dự án bất động sản để người đọc hình dung ra bức tranh toàn cảnh và dài hạn của lĩnh vực này, từ đó có được những bài học bổ ích để áp dụng trong thực tế. Người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách những kiến thức bài bản về định giá đất đai, mở lối trong thị trường ngách, các mô hình phát triển bất động sản, cân đối tài chính và dòng vốn, quản trị rủi ro, tư duy tiếp thị và kinh doanh, tầm quan trọng của đội ngũ vận hành, cùng cách thức để thích nghi với biến động của thị trường.

Được hậu thuẫn bởi những bậc thầy phù thủy với kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm thực chiến về bất động sản, tài chính và đầu tư, tác phẩm này tạo ra ấn tượng hoàn toàn khác biệt so với những cuốn sách khác của Kiyosaki, vốn đôi lúc bị chỉ trích bởi việc chỉ truyền cảm hứng mà thiếu đi lời khuyên cụ thể để hướng dẫn người đọc hành động trong thực tế.

Giành chiến thắng trong thị trường BĐS Việt Nam
Mặc dù có những hạn chế nhất định về quan điểm cá nhân, bối cảnh thời đại, hệ thống pháp lý và môi trường đầu tư tại Mỹ, cuốn sách The Real Book of Real Estate hiện vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng và giá trị tham khảo trên toàn cầu. Kiến thức và những bài học thực tế từ các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong tác phẩm này cũng chứng tỏ sự phù hợp với bối cảnh thực tế của thị trường Việt Nam. Nhiều quan điểm trong số này đã được áp dụng hiệu quả và là bệ phóng cho hoạt động của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

HIỂU THỊ TRƯỜNG CHUNG NHƯNG HÃY HƯỚNG TỚI MỘT THỊ TRƯỜNG NGÁCH
Robert Kiyosaki cho rằng đầu tư bất động sản không chỉ là một khoản đầu tư, mà là một hoạt động kinh doanh và cần được điều hành bài bản như một doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược và kế hoạch hành động riêng. Việc của nhà đầu tư là phải hoạch định được từng bước đi trong kế hoạch này dựa trên việc hiểu sâu, phân tích đúng và đánh giá chính xác về thị trường bất động sản bên ngoài và nguồn lực nội tại mà mình sở hữu.

Các yếu tố chính về thị trường thường bao gồm chính sách và tình trạng pháp lý, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, tình trạng nhân khẩu học, tập hợp cạnh tranh, khách hàng mục tiêu, nhu cầu sử dụng và các xu hướng trong tương lai. Nguồn lực nội tại của nhà đầu tư chủ yếu liên quan tới kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm xây dựng - phát triển - vận hành, đội ngũ nhân sự và khả năng tài chính. Cân đối tất cả các yếu tố này sẽ mang lại cho nhà đầu tư một góc nhìn tổng thể để định hình chiến lược phát triển toàn diện cho dự án, bao gồm loại hình và phân khúc bất động sản, kiến trúc và thiết kế, dòng vốn đầu tư và đòn bẩy tài chính, quyền sở hữu và vận hành, tiếp thị và kinh doanh.

Ở một bước cao hơn, các chuyên gia trong cuốn sách cho rằng chiến thắng thực sự trong lĩnh vực này chỉ đến với những nhà đầu tư xác định được một chỗ đứng và hướng đi riêng trên thị trường. Cụ thể, trong khi vị trí là từ khóa để lựa chọn một dự án tiềm năng, thì mô hình bất động sản phù hợp với thị trường ngách mà nó lấp đầy sẽ quyết định thành công của toàn bộ dự án.

Dưới góc độ phát triển, một bất động sản độc đáo và khác biệt, phục vụ một nhóm khách hàng cụ thể sẽ đảm bảo tính cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác cùng phân khúc, đồng thời tạo ra được thương hiệu và thế mạnh trong ngành cho chính nhà đầu tư. Từ phía ngược lại, cuốn sách cũng lưu ý rằng nhà đầu tư cần cẩn thận kiểm soát cái tôi của mình và phát triển dự án dựa trên nhu cầu thị trường hơn là thỏa mãn ý chí chủ quan.

XÂY DỰNG Ở HIỆN TẠI, NHƯNG PHÁT TRIỂN CHO TƯƠNG LAI
Cuốn sách The Real Book of Real Estate còn tổng kết một câu rất hay dành cho nhà đầu tư bất động sản. Đó là: “Điều cốt lõi khi đầu tư bất động sản phần nhiều không nằm ở những thứ đang diễn ra ở hiện tại mà là những câu chuyện sẽ xảy đến trong tương lai”. Vì vậy, đây là lĩnh vực mà nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng, và việc liên tục học hỏi sẽ mang lại lợi thế cho nhà đầu tư. Nếu không thấm nhuần những điều này, khoản đầu tư bất động sản có thể trở thành một gánh nặng thay vì một tài sản sinh lời.

Trên thực tế, với vòng đời phát triển một dự án thường kéo dài từ 5-20 năm, thị trường bất động sản sẽ “ưu tiên” trao vòng nguyệt quế cho những nhà đầu tư biết kiên nhẫn chờ đợi thắng lợi ở dài hạn, khách quan nhìn nhận vào thực tế của thị trường, và đón đầu các thay đổi để linh hoạt điều chỉnh kế hoạch cũng như bước đi cụ thể.

Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, có thể dễ thấy quan điểm này rất đúng đắn với bất động sản logistics, hiện đang là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư do sự dịch chuyển trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc. Do đặc thù của loại hình bất động sản này, cuộc chơi chỉ dành cho những doanh nghiệp đủ tầm xây dựng các sản phẩm có quy mô lớn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các nhà sản xuất trên thế giới.

Các chuyên gia của cuốn sách thừa nhận rằng việc dự đoán sự phát triển của thị trường ngay từ vạch xuất phát không phải lúc nào cũng khả thi. Để dự báo có tính tin cậy đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, kỹ năng cũng như chuyên môn sâu rộng. Một mặt, nhà đầu tư phải xem xét và dự báo các kịch bản của thị trường từ quan điểm xây dựng và kinh doanh, để tránh phải đưa vào hoạt động một dự án lỗi thời và không còn thích hợp với nhu cầu đã thay đổi của khách hàng cùng những ứng dụng kỹ thuật mới.

"Robert Kiyosaki cho rằng đầu tư BĐS không chỉ là một khoản đầu tư, mà là một hoạt động kinh doanh và cần được điều hành như một doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược và kế hoạch hành động riêng."

Mặt khác, dưới góc độ vận hành, nhà đầu tư cần nhận ra và linh hoạt điều chỉnh cách thức kết nối và quản lý các hạng mục của dự án sao cho phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Để làm được cả hai điều trên, trong suốt quá trình phát triển dự án, cuốn sách kỳ vọng nhà đầu tư luôn phải trả lời được câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với dự án nếu thị trường thay đổi từ khi lập kế hoạch phát triển cho tới lúc hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành?

Không ngừng phát triển giá trị gia tăng của bất động sản và một hệ sinh thái sản phẩm toàn diện.

Xuyên suốt tác phẩm, câu chuyện về tạo dựng giá trị cho bất động sản luôn là điều mà các chuyên gia tâm đắc, dù cho đó là một dự án cải tạo hay phát triển từ ban đầu. Điều này đặc biệt quan trọng tại Việt Nam, nơi mà những bất động sản phức hợp và các đại đô thị đang phát triển mạnh mẽ để đáp ứng phong cách sống hiện đại của khách hàng và cư dân. Một bất động sản không chỉ còn là một căn nhà mà đó còn là một không gian sống, một cộng đồng mang đến nhiều giá trị cho cư dân, một thương hiệu thể hiện đẳng cấp của cư dân.

Cụ thể, sống trong những dự án đó, cư dân có thể dễ dàng đi mua sắm tại siêu thị, giải trí trong khu vui chơi, đưa con cái tới trường, hay chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện, tất cả các tiện ích này đều nằm trong khoảng cách có thể đi bộ hoặc không tốn tới 10 phút lái xe. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn phát triển cả một hệ sinh thái sản phẩm toàn diện, từ nhà ở tới nghỉ dưỡng, ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước để tăng tính cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần, và mang lại nhiều trải nghiệm đa dạng cho khách hàng.

Để xây dựng các giá trị gia tăng và hệ sinh thái này, ngoài nguồn lực nội tại, các chuyên gia của cuốn sách cho rằng nhà đầu tư cần tập hợp xung quanh mình một đội ngũ gồm các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, kiến trúc sư cảnh quan, các kỹ sư xây dựng, tổng thầu, các nhà thầu phụ, tư vấn phát triển và đơn vị vận hành giàu kỹ năng và kinh nghiệm. Lựa chọn đúng đội ngũ sẽ là khoản đầu tư thông minh nhất, giúp dự án đi đúng chiến lược đặt ra từ ban đầu và tiến tới hoạt động hiệu quả trong tương lai.

Đội ngũ nói trên sẽ cho nhà đầu tư biết nên lựa chọn mô hình bất động sản nào để phù hợp với thị trường - nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, hậu cần hay giải trí. Họ cũng tư vấn cho nhà đầu tư về các xu hướng ở hiện tại và trong tương lai, như thiết kế bền vững để tạo ra một công trình xanh được vận hành hiệu quả về mặt sinh thái, bảo tồn nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và quan trọng nhất là mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Họ cũng có thể đề xuất những thiết kế nội thất để giúp hình thành không gian căn hộ đa chức năng đạt tính thẩm mỹ cao, nhờ đó tiết kiệm chi phí vận hành và mang lại sự hài lòng cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Trái ngược với những gì mà nhiều nhà đầu tư thường nghĩ, các chuyên gia trong cuốn sách cho rằng sẽ cần tới một đơn vị vận hành bất động sản ngay cả trước khi động thổ dự án. Sự tham gia của đơn vị này sẽ giải quyết các khâu phân tích thị trường, lựa chọn thương hiệu và phân khúc cho dự án, hay xác định giá bán và giá cho thuê. Những kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới bán hàng của họ là điều mà nhiều nhà đầu tư thường thiếu sót.

Quan trọng nhất, đơn vị vận hành là bậc thầy trong việc nâng cao giá trị của một bất động sản ở ba khía cạnh gồm doanh thu, chi phí và hệ thống. Ví dụ, nếu có một hệ thống quản lý vững chắc, dự án sẽ hoạt động theo kế hoạch và ngân sách đã phê duyệt, được giám sát và duy tu để đảm bảo không mất mát và hư hỏng, và đạt tỷ lệ lấp đầy tốt hơn. Thiếu đi hệ thống quản lý này tương đương với việc nhà đầu tư đã lãng phí hoặc mất đi một phần doanh thu. Ở một mặt khác, vận hành là câu chuyện về sự hài lòng và trải nghiệm của khách hàng, những điều mà kinh nghiệm và sự đào tạo bài bản của các đơn vị vận hành sẽ là chìa khóa mang lại chiến thắng.

Tại Việt Nam, các quan điểm này đặc biệt hữu dụng với những nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quá trình hợp tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế. Quá trình này đòi hỏi sự thấu hiểu và cân đối giữa các yếu tố bản địa với những chuẩn mực quốc tế. Nhà điều hành sẽ nâng tầm bất động sản nhờ vào thương hiệu danh tiếng, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tiêu chuẩn vận hành quốc tế, và quan trọng nhất là gắn kết bất động sản của nhà đầu tư Việt Nam vào mạng lưới toàn cầu của mình để đẩy mạnh hiệu quả tiếp thị và kinh doanh. Tuy vậy, thành công của sự hợp tác này chỉ đến khi mỗi bên hiểu thấu và tận dụng được thế mạnh của bên còn lại, cũng như hành động một cách sáng suốt, công bằng và văn minh.

Như Robert Kiyosaki đã nói trong cuốn sách: “Kiến thức là chìa khóa của thành công”. Ấn phẩm The Real Book of Real Estate không chỉ cung cấp một phương tiện cho các nhà đầu tư nâng cao kiến thức, mà còn “chuẩn bị cho một tương lai mà chúng ta dự đoán sẽ xảy ra vào ngày mai”. Bởi chỉ có chuẩn bị kỹ lưỡng cả về năng lực và tâm thế, các nhà đầu tư mới có thể nắm bắt cơ hội nhanh chóng và biến nó trở thành thành công trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và biến động không ngừng như bất động sản.

(nguồn Cafeland.vn)

Thị trường ngách Bất động sản là gì, Ưu nhược điểm?

Lịch sử kinh tế trong thực tiễn đã cho thấy sự thành công không tưởng các công ty/ cá nhân khởi nghiệp từ thị trường ngách. Thị trường này vẫn còn mới, chưa được định hình và phát triển cụ thể, chưa khai thác hết tiềm năng. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về thị trường này. 
1. Tìm hiểu về thị trường ngách:
Thị trường ngách:
Thị trường ngách được hiểu là một phân đoạn nhỏ của thị trường hay một khoảng trống thị trường với mục tiêu bao gồm một nhóm khách hàng riêng biệt. Doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách hay chính là tập trung nỗ lực cho phần lớn thị trường nhỏ chứ không cạnh tranh để nhằm mục đích giành thị phần trong thị trường lớn mà sẽ đi theo hướng kinh doanh theo nhu cầu của thị trường.

Một số doanh nghiệp thành công tại các thị trường ngách trong kinh doanh mà chúng ta có thể kể tới Roll-Royce – phân khúc doanh nhân thích xe hơi hạng sang, Tribeco – sản phẩm sữa đậu nành đầu tiên trên thị trường, Tân Hiệp Phát – ngách thị trường thức uống trà xanh. Đây trên thực tế đều là những sản phẩm của thị trường ngách tập trung vào một phân khúc thị trường nhất định.

Thị trường kinh doanh hiện nay đang ngày nay đang gặp nhiều biến động, theo đó là sự tham gia của các doanh nghiệp lớn nước ngoài khiến các công ty nhỏ chật vật nếu muốn tiếp thị sản phẩm hay dịch vụ của mình cho thị trường đại chúng. Dù nhiều doanh nghiệp vẫn có tự tin khẳng định sản phẩm và dịch vụ của mình tốt nhất hay hoàn hảo thì thực tế lại không có nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua, nhất là trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Thực tế thì thị trường ngách khiến nó trở nên khá hấp dẫn tuy nhiên cũng như con dao hai lưỡi, thị trường ngách cũng không hoàn toàn là một món hời dễ kiếm và thị trường ngách tiềm năng cũng rất khó xác định.

Đặc điểm của thị trường ngách:
Quy mô thị trường ngách rất nhỏ, chính bởi vì thế mà nhiều công ty lớn không muốn nhảy vào hoặc bỏ qua phần thị trường này.

Thị trường ngách hiện nay thực chất vẫn còn mới, chưa được định hình và phát triển, nhu cầu người sử dụng là có nhưng rất ít.

Với những đặc điểm này, thị trường ngách được biết đến chính là một thị trường hiện hữu nhưng chưa được phát hiện hoặc nhiều công ty nhận xét lợi nhuận thu lại quá ít nên họ chư thúc đẩy đầu tư.

Cũng bởi vì nguyên nhân đó, những doanh nghiệp nào mong muốn kinh doanh thị trường ngách, trước tiên luôn phải trải qua những bước bào chế thị trường một cách kỹ càng để nhằm từ đó có thể đánh giá tiềm năng, nguy cơ và cơ hôi cũng giống như những phức tạp có thể xuất hiện.

Lý do lựa chọn thị trường ngách:
Các chủ thể khi chọn thị trường ngách luôn là một việc vô cùng quan trọng với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Chọn thị trường ngách sẽ giúp các doanh nghiệp này có cơ hội khởi động kinh doanh thành công,hơn nữa còn gặp ít sự cạnh tranh và rủi ro so với thị trường không phải ngách.

2. Bản chất, lợi ích và ưu nhược điểm khi lựa chọn thị trường ngách:
Bản chất của thị trường ngách:
Bản chất của thị trường ngách chính là vận dụng khe hở của thị trường nhằm mục đích chính là từ đó có thể tạo ra nhu cầu. Thị trường dù lớn hay nhỏ thì đều có khoảng ngách trống. Khi mà ngách được xác định thì phạm vi của nó sẽ được thay đổi liên tục. Trong khi lợi ích của thị trường cũ bị giới hạn thì lợi ích từ hoạt động kinh doanh ngách sẽ không bị giới hạn.

Lợi ích chính của thị trường ngách được gói gọn trong các lợi ích cơ bản cụ thể sau đây:
– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để gia tăng mối quan hệ khách hàng.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để giảm cạnh tranh.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để tăng khả năng hiển thị/ tiếp cận.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để tạo sự phát triển cho Buzz Marketing.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để chuyên môn hóa thị trường.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để sử dụng ít nguồn lực và tài nguyên hơn so với thị trường chính thống.

– Lợi ích chính của thị trường ngách đó là để tăng nhận thức thương hiệu.

Ưu và nhược điểm của thị trường ngách:
– Ưu thế của thị trường ngách tiềm năng:
+ Không thể phủ nhận, lựa chọn thị trường ngách giúp doanh nghiệp tránh mặt được kha khá đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn thì thông thường sẽ tập trung vào thị phần lớn sẵn có của họ còn các công ty nhỏ sẽ lựa chọn nhiều ngách khác nhau.

+ Với phân khúc khách hàng nhỏ, đặc điểm của thị trường ngách nhiều điểm chung, nhu cầu tương đối cụ thể, thị trường ngách giúp các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đánh trúng tâm lý của các chủ thể là những đối tượng khách hàng một cách nhanh nhất.

+ Lợi ích của thị trường ngách đó chính là giúp có lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm cao hơn thị trường đại chúng, nhưng do dung lượng thị trường nhỏ khiến tổng lợi nhuận nhỏ hơn.

– Thách thức cho doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách bao gồm:
+ Quy mô thị trường ngách nhỏ không đủ duy trì hoạt động của công ty.

+ Nguy cơ các doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường ngách thì sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do cuộc chiến không cân sức.

+ Chọn và tìm kiếm thị trường ngách cũng sẽ chứa nhiều bất ổn tiềm ẩn, thiếu tính ổn định. Nguyên nhân của vấn đề này chính là do đặc tính của các chủ thể là những khách hàng mục tiêu không cố định, khách hàng hay thay đổi, dễ bị tác động bởi xu hướng.

Thế mạnh của thị trường ngách:
Nếu khi chúng ta thực hiện so sánh thị trường là những con đường quốc lộ lớn thì thị trường ngách giống như những con đường trong hẻm nhỏ. Đường quốc lộ rộng lớn thì ai cũng thích, người ta đua nhau đi trên con đường này nhưng đến 1 thời điểm nhất định, đường sẽ trở nên quá đông đúc, gần như không thể chen nổi.

Một số người thông minh họ quyết định không đi trên đường lớn nữa mà chuyển sang đường nhỏ trong hẻm. Tuy rằng những con đường này nhỏ hơn lại có chút vòng vèo nhưng lại dễ đi và không phải chen chúc với quá nhiều người.

Đó chính là cái hay và thế mạnh của thị trường ngách. Và loại thị trường này còn mang đến cho người kinh doanh nhiều lợi ích khác mà chúng ta sẽ có thể kể đến sau:

– Giảm mức độ cạnh tranh, tránh cho các doanh nghiệp sẽ chạm trán với những đối thủ quá mạnh.

– Tiền đầu tư không quá nhiều, tiết kiệm hơn nhiều so với việc lao như con thiêu thân và thị trường lớn.

– Dễ gây ấn tượng với khách hàng hơn bởi nó ở tầm vóc nhỏ, mang tính cụ thể và rõ ràng hơn.

– Dễ dàng cá nhân hóa nội dung, lồng ghép đặc trưng cá nhân vào sản phẩm.

– Dễ dàng tập trung vào việc nâng cao chất lượng bởi có thời gian tìm hiểu cụ thể về phân khúc thị trường đó.

– Thấu hiểu tâm lý khách hàng hơn vì chỉ tập trung vào một nhóm khách hàng riêng biệt, nhờ đó cũng dễ dàng nâng cao chất lượng phục vụ với khách.

– Phù hợp với những ai mới tập tành kinh doanh cụ thể là những những người còn yếu và mỏng cả về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực kinh tế…

3. Xác định thị trường bất động sản ngách tiềm năng:
Để có thể xác định thị trường ngách không quá khó, các chủ thể sẽ chỉ cần làm theo những bước sau đây:

– Tạo danh sách những điều bản thân mong muốn: Các chủ thể muốn bán sản phẩm cho ai? Các chủ thể muốn hướng đến đối tượng khách hàng nào? Các chủ thể mong chờ gì ở họ?… Hãy viết tất cả những thông tin cần thiết để phục vụ cho những bước tiếp theo.

– Tập trung xác định cụ thể các chủ thể muốn bán gì cho khách hàng và nhỡ kỹ 2 điều: một là các chủ thể không thể bán mọi thứ các chủ thể đó muốn cho tất cả mọi người, hai là thị trường mục tiêu càng hẹp thì càng đem lại hiệu quả cao.

– Nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt của khách hàng: Hãy coi mình là một người khách hàng và xem xem nhu cầu của khách hàng khi mua hàng là gì.

– Tăng tốc: Khi thị trường ngách của các chủ thể đã manh nha hình thành thì bạn phải đẩy mạnh tốc độ và giúp nó phát triển vững bền.

– Đánh giá sản phẩm mà doanh nghiệp bạn sản xuất bằng những tiêu chí cụ thể

– Thử nghiệm: Thử nghiệm độ thành công của sản phẩm bằng cách bán nó ra thị trường và chờ đợi phản hồi của khách hàng.

– Tiến hành: Nếu các chủ thể cảm thấy kế hoạch của mình có thể độ thành công lớn thì hãy hiện thực hóa nó. Hãy nhớ đây là giai đoạn khó khăn nên phải hết sức kiên trì, qua được cửa ải khó khăn này thì các chủ thể đã cách cánh cửa thành công không còn xa nữa.

gocnhin