Hiển thị các bài đăng có nhãn QuyHoachPhuMy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn QuyHoachPhuMy. Hiển thị tất cả bài đăng

Bà Rịa-Vũng Tàu xin tự quyết dự án đường Vành đai 4 hơn 6625 tỷ đồng (26.09.2021)

TPO - Thời gian thực hiện dự án đầu tư đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 1 dự kiến kéo dài 5 năm từ 2022-2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng, chưa gồm lãi vay dự kiến hơn 218 tỷ đồng.

Ngày 26/9, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giao cho Bà Rịa-Vũng Tàu làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự án này có điểm đầu tuyến giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (cách ngã tư Châu Pha-Tóc Tiên khoảng 200m). Tuyến đi lên phía Bắc giao với các đường Châu Pha-Bà Rịa, Sông Xoài-Châu Pha, Mỹ Xuân-Ngãi Giao và đường xã Cù Bị. Điểm cuối tuyến tiếp giáp với địa phận tỉnh Đồng Nai tại Kml8+300, khu vực hồ Bàu Cạn. Tổng chiều dài toàn tuyến qua địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức của Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 18,3 km.

Cấp hạng đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc bảo đảm vận tốc thiết kế từ 80-100 km/h. Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe rộng 27m, giải phóng mặt bằng toàn bộ rộng 67m. Trên tuyến có 2 nút giao, 2 cầu vượt. Ngoài ra đoạn tuyến còn giao cắt với các đường địa phương khác và sẽ nghiên cứu làm cầu vượt trực thông, hầm chui bảo đảm giao thông 2 bên được thuận lợi.

Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến kéo dài 5 năm từ 2022-2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án độc lập thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay dự kiến hơn 218 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.596 tỷ đồng; chi phí đầu tư còn lại khoảng 5.029 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách theo hợp đồng BOT và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác xây lắp.
Đường vành đai 4 nối 5 tỉnh thành phía Nam.
Trước đó, ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1454/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 có quy mô 8 làn xe (mặt cắt ngang khoảng 74,5m). Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 197,6km đi qua 5 tỉnh thành, gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An. Sau khi hình thành, tuyến đường có vai kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông Nam bộ với khu cảng Cái Mép-Thị Vải, Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

Liên quan đến đường Vành đai 4, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng vừa ký văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh đầu tư dự án đường Vành đai 4. Theo đó, TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu các nội dung liên quan đường vành đai 4 như tổng thể, phân kỳ đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư và phương án kết nối các trục giao thông chính.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ liên quan nghiên cứu xem xét cơ chế hỗ trợ một phần vốn Trung ương trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TPHCM, đường vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các đô thị vệ tinh giữa TPHCM với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối các khu kinh tế trọng điểm với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, Phú Mỹ và sân bay Long Thành, giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics.

(Nguồn: https://tienphong.vn/ba-ria-vung-tau-xin-tu-quyet-du-an-duong-vanh-dai-4-hon-6-625-ty-dong-post1379712.tpo)

Bà Rịa-Vũng Tàu Triển khai ứng dụng di động "Sổ tay Quản lý đất đai (iLand)"

Ngày 15.06.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho ra mắt ứng dụng Sổ tay Quản lý đất đai trên thiết bị di động (App) với tên gọi iLand được thiết kế để vận hành trên hệ điều hành Android và iOS.

1. Cài đặt dễ dàng
Với những người sử dụng thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng (iPad, Samsung tab,…) việc cài đặt ứng dụng rất nhanh chóng và dễ dàng. Người sử dụng chỉ cần vào Kho ứng dụng App Store hoặc Google Play, tìm kiếm theo các từ khóa iLand BRVT, iland.app, rồi chọn ứng dụng này để cài đặt kèm ướng dẫn cài đặt ứng dụng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

2. Tài khoản đăng nhập

Người dùng không nhất thiết phải đăng nhập nhưng vẫn có thể sử dụng ứng dụng, tuy nhiên việc đăng nhập sẽ cung cấp cho người dùng thêm nhiều chức năng trên ứng dụng. Ứng dụng được chia thành 4 hình thức sử dụng liên quan đến tài khoản đăng nhập gồm:

a) Không đăng nhập:

Ở mức độ này, ứng dụng cung cấp những thông tin cơ bản của thửa đất

b) Đăng nhập bằng tài khoản Google (không đăng ký khai thác thông tin):

Tài khoản Google là tài khoản cá nhân của người dùng. Việc đăng nhập tài khoản Google trên ứng dụng sử dụng chức năng mặc định của Google nên tuyệt đối an toàn. Ứng dụng hoàn toàn không thể lưu mật khẩu của tài khoản Google. Chọn biểu tượng Google (chữ G) để đăng nhập .

Ở mức độ này, ứng dụng cung cấp nhiều thông tin hơn:
- Tìm kiếm thửa đất.

- Bổ sung thông tin từ dữ liệu thuộc tính để so sánh với dữ liệu không gian.

c) Đăng nhập bằng tài khoản Google (có đăng ký khai thác thông tin):

Tài khoản Google là tài khoản cá nhân của người dùng. Việc đăng nhập tài khoản Google trên ứng dụng sử dụng chức năng mặc định của Google nên tuyệt đối an toàn. Ứng dụng hoàn toàn không thể lưu mật khẩu của tài khoản Google. Chọn biểu tượng Google (chữ G) để đăng nhập .

Việc đăng ký khai thác thông tin sẽ bổ sung cho tài khoản nhiều dịch vụ, tiện ích và thông tin:
- Chức năng tìm đường đến thửa đất.

- Chức năng đo đạc.

- Bổ sung các thông tin như tình trạng cấp giấy; số tờ, số thửa cũ; thông tin tài sản.

d) Đối với công chức, viên chức thực hiện công tác liên quan đến ngành Tài nguyên và Môi trường:
Tài khoản này chỉ sử dụng cho công chức, viên chức có thực hiện nhiệm vụ quản lý liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường các cấp. Ứng dụng cung cấp chi tiết nhất các thông tin về nhóm thông tin thửa đất, người sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, lịch sử biến động của thửa đất…

3. Các chức năng tiên tiến, sử dụng đơn giản
Ứng dụng sử dụng công nghệ tiên tiến, được xây dựng trên phương châm đơn giản, dễ sử dụng; gồm các chức năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin đất đai, phục vụ cho toàn xã hội.

a) Chức năng xem thông tin thửa đất bằng cách chọn trực tiếp trên Bản đồ

b) Chức năng tìm kiếm thông tin theo Số hiệu thửa đất, số hiệu Tờ bản đồ; tên người sử dụng đất; chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người sử dụng đất: Hình thể thửa đất được chồng ghép với Bản đồ vệ tinh cho người sử dụng cái nhìn rõ ràng về tương quan giữa thửa đất với địa vật xung quanh (tiếp giáp đường, tiếp giáp biển, đồi cát, hiện trạng thửa đất đang trồng cây…)

c) Chức năng định vị, dẫn đường đến thửa đất:

- Trường hợp tra cứu thông tin thửa đất tại vị trí đang đứng, người sử dụng bật chức năng định vị của thiết bị di động, ứng dụng xử lý để cung cấp thông tin về thửa đất tại vị trí đang đứng (phụ thuộc vào mức đăng nhập tại mục 2).

- Trường hợp người sử dụng ứng dụng tìm kiếm thửa đất, muốn tìm đường đi ngắn nhất từ vị trí đang đứng đến thửa đất đã tìm kiếm bằng thuật toán của Google, thân thiện với người sử dụng và tái sử dụng trí tuệ nhân tạo do Google phát triển theo triết lý “đứng trên vai người khổng lồ”.

d) Chức năng làm trong suốt/hiện rõ nền quy hoạch:

Bản đồ địa chính thường không thể hiện tên đường, tên địa vật xung quanh thửa đất, ứng dụng cung cấp cho người sử dụng tự kéo thanh trượt để làm mờ nền quy hoạch để nhìn được Bản đồ nền, giúp người sử dụng định vị được thửa đất đang lựa chọn.

đ) Bản đồ nền đa dạng:
Nhằm phục vụ nhu cầu xem thông tin bao quát trong nhiều trường hợp, ứng dụng cung cấp nhiều loại bản đồ nền khác nhau, gồm: bản đồ nền đơn giản, bản đồ nền chuyên đề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bản đồ nền địa hình, bản đồ nền đường phố và bản đồ nền vệ tinh.

e) Chức năng cung cấp thông tin về tài sản gắn liền với đất:
Ngoài thông tin về thửa đất, đối với các thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, ứng dụng cung cấp thêm thông tin về các tài sản đó trên giao diện của nó.

h) Tích hợp các ứng dụng đã được phát triển trước đây:
Ứng dụng này được tích hợp các ứng dụng (App) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển trước đây và đang vận hành phục vụ người dân và doanh nghiệp bao gồm:

- Ứng dụng di động Quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu;

- Ứng dụng web tra cứu giấy chứng nhận (ứng dụng công nghệ nhận dạng từ camera thiết bị di động).

Trong thời gian sắp đến Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tích hợp nhiều ứng dụng như công bố khác khu đất đấu giá; danh sách các khu đất công; phản hồi sai phạm đất đai;…

4. Mức phí, phương thức thanh toán đa dạng, hiện đại

a) Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc Quy định về mức thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cụ thể mức phí như sau:

- Phí cung cấp thông tin thửa đất trên ứng dụng di động “Sổ tay đất đai (iLand)” là: 14.000 đồng/thửa (lượt khai thác).

- Người dùng đăng ký để khai thác thêm các thông tin được nêu tại Mục 2.c vui lòng chuyển khoản vào tài khoản của Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường, số tiền chuyển khoản tối thiểu là 14.000 đồng tương ứng với 01 lượt khai thác.

- Lượt khai thác sẽ được tính khi chọn vào ký hiệu “xem thông tin chi tiết” như hình trên.

6 dự án giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép–Thị Vải

5 con đường và một cầu đã, đang triển khai sẽ thúc đẩy kết nối, vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Dài hơn 20 km, chiếm hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của cả nước, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) được đánh giá có mức tăng trưởng hàng hóa cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu đang gặp nhiều trở ngại vì giao thông thường xuyên tắc nghẽn.

Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết, có bốn dự án giao thông trọng điểm với vốn đầu tư hơn 14.200 tỷ đồng đã và đang triển khai để biến kỳ vọng cụm cảng trở thành "cửa ngõ phía Nam".

Đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải dài hơn 18 km, sáu làn xe, là tuyến đường khai thác hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp dọc sông Cái Mép – Thị Vải. Khởi công năm 2009 với tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Đến nay đường thông suốt từ điểm đầu ở cảng Cái Mép hạ (thị xã Phú Mỹ) đến điểm cuối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Điểm cuối đường Cái Mép - Thị Vải, con đường chạy dọc hệ thống cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải được HĐND Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tháng 8/2020. Điểm đầu cầu nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải đến đường vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Theo quy hoạch, chiều dài tuyến đường hơn 4,3 km, trong đó cầu Phước An dài hơn 3.500 m, đường dẫn lên cầu dài 248 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600 m. Tĩnh không thông thuyền của cầu cho phép tàu 30.000 tấn chạy qua. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng.

Cầu xây xong sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành đi các tỉnh miền Tây, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 51 đang thường xuyên ùn tắc. Các cơ quan chức năng đang tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Công nhân thi công trụ cầu vượt quốc lộ 51, một hạng mục trên tuyến 991B
Đường 991B được khởi công tháng 5/2018, dài gần 10 km, điểm đầu giao đường Hội Bài – Tóc Tiên đến hạ lưu cảng Cái Mép với tổng mức đầu tư 3.951 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Đường rộng 35 m, với bốn làn xe. Trên tuyến có 4 cầu, trong đó cầu vượt quốc lộ 51 dài hơn 664 m.

Theo Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải đường 991B là trục giao thông quan trọng nhằm vận chuyển hàng hóa của cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, các khu công nghiệp Phú Mỹ, Cái Mép, logistics Cái Mép Hạ và Trung tâm kho bãi, với tổng diện tích khoảng 2.850 ha. Khi hoàn thành đường kết nối với khu công nghiệp Long Sơn (TP Vũng Tàu). Tất cả hàng hóa sẽ được vận chuyển ra quốc lộ 51 và nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau này.

Điểm cuối nối đường 991B, dự án đường Long Sơn – Cái Mép dài hơn 3,7 km dẫn vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn với mức đầu tư 1.189 tỷ đồng, bằng ngân sách tỉnh. Đường thiết kế 6 làn xe và cầu bắc qua sông Rạng dài gần 400 m.

Đây là tuyến kết nối khu vực Vũng Tàu – Long Sơn – Cái Mép – Thị Vải – Phú Mỹ và liên kết với các vùng lân cận. Theo đó, đường sẽ rút quãng đường từ hạ lưu cảng Cái Mép đến quốc lộ 51 từ 25 km xuống chỉ còn khoảng 8 km. Tháng 6/2020, gói thầy xây lắp cầu sông Rạng đã được khởi công. Đường Long Sơn – Cái Mép dự kiến xong cuối năm 2025.
Ngoài các dự án trọng điểm trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai xây dựng đường sau cảng Mỹ Xuân – Thị Vải, giai đoạn một nhằm kết nối hệ thống cảng với khu công nghiệp đến quốc lộ 51. Con đường dài 2,6 km, vốn đầu tư 407 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm 2023.

Đường Phước Hòa – Cái Mép bắt đầu từ điểm giao quốc lộ 51 nối đến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải dài hơn 4,4 km. Dự án tổng mức đầu tư 954 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến hoàn thành trong năm nay, giúp hàng hóa từ các cảng vận chuyển lên - xuống quốc lộ thuận lợi hơn...
6 dự án giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

(Nguồn: https://vnexpress.net/6-du-an-giao-thong-ket-noi-cum-cang-cai-mep-thi-vai-4245426.html)

Hiệp định EVFTA và thời cơ “hóa rồng” cho Phú Mỹ (15.01.2021)

Việc nhà đầu tư châu Âu muốn rót gần 1 tỷ USD vào dự án logistics tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau Hiệp định EVFTA và sự kiện đón tàu container lớn nhất thế giới mở ra cơ hội đưa địa danh này vào những thương cảng bậc nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, bộ ngành thúc đẩy nhanh dự án logistics ở Phú Mỹ
Bỉ và Hà Lan liên tiếp gửi nhiều công hàm xin làm dự án tại Phú Mỹ
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hồi cuối năm 2020, liên quan đến đề xuất của các nhà đầu tư Besix - IPEI - Boskalis - Hateco tại dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Theo báo cáo, dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Bỉ quan tâm và có nhiều công hàm gửi tới Thủ tướng đề nghị giao cho liên danh các nhà đầu tư EU-VN gồm Công ty Besix - Công ty IPEI (Bỉ) - Công ty Hateco (Việt Nam) - Công ty Boskalis (Hà Lan) là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Cụ thể, trong chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ ngày 16/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã chứng kiến biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Hateco Logistics và Công ty IPEI N.V về việc hợp tác nghiên cứu dự án này.

Tiếp đó, đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cũng có 2 công hàm về việc đề xuất hợp tác Việt Nam - Bỉ - Hà Lan đối với dự án.

Đến tháng 5/2019, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ đã có công hàm về việc Bỉ - Việt Nam hợp tác phát triển dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Vào tháng 9/2020, Đại sứ Hà Lan và Đại sứ Bỉ tiếp tục có thư gửi Thủ tướng đề nghị được gặp để báo cáo đề xuất về tiến trình thực hiện dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và đề nghị xem xét kiến nghị của nhà đầu tư EU-VN được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tại buổi tiếp Đại sứ Hà Lan, Đại sứ Bỉ cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) đang có mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỷ USD tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), ngày 16/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm của nhà đầu tư vào Cái Mép Hạ, phát triển logistics để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU và toàn thế giới.

Đồng thời, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan. “Ai làm chậm, tôi sẽ phê bình”, Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc.

Đây là dự án hiếm hoi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020. Hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, sau một thập kỷ kiên trì đàm phán.

Thời cơ đưa Phú Mỹ vào bản đồ thương cảng đẳng cấp thế giới
Tạp chí Maritime (Mỹ) mới đây đã dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, cho biết tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tăng diện tích bến hơn 8 lần trong 20 năm qua, với 34 cảng. Trong đó, cảng Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất lên đến 214.000 tấn, tiếp theo là cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn. Mục tiêu trong giai đoạn phát triển tiếp theo là nâng công suất hàng hóa hàng năm của Việt Nam lên 1,14 - 1,42 tỷ tấn, trọng tâm là phát triển cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, ngày 26/10/2020, cảng Cái Mép (CMIT) đã làm Lễ đón tàu container Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải hơn 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 container, dài gần 400m, rộng 59m.

Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.

Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Khi đó hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia... giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở; từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.

Đây cũng là tiềm năng lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư châu Âu. Tại buổi gặp mặt Thủ tướng hồi tháng 9/2020, các nhà đầu tư cũng cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.
Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Bỉ cùng các tập đoàn châu Âu mong muốn được đầu tư vào dự án Cảng Cái Mép
Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương, khi EVFTA có hiệu lực thì hai bên đều cần những dự án như dự án này.

Nỗ lực theo đuổi dự án của các nhà đầu tư châu Âu, cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa Phú Mỹ vươn lên thành thương cảng hàng đầu Đông Nam Á, trở thành đòn bẩy kinh tế bậc nhất phía Nam.

(Nguồn: Báo điện tử bộ xây dựng https://baoxaydung.com.vn/hiep-dinh-evfta-va-thoi-co-hoa-rong-cho-phu-my-297106.html)

Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có thêm khu công nghiệp 7200 tỉ đồng

Khu công nghiệp này được đặt tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tin từ Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã chủ trì cuộc họp nghe Ban quản lí các khu công nghiệp báo cáo chủ trương đầu tư thực hiện dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ.
Ban quản lí các khu công nghiệp cho biết, trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh qui hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.

Theo đó, Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao - đô thị - dịch vụ (phường Hắc Dịch) được bổ sung vào qui hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh. Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 1977/TTg-KTN ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác về số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp; đảm bảo việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.

Khu công nghiệp Hắc Dịch có diện tích 450ha, do liên doanh CTCP Đầu tư Xây dựng Hamek, CTCP Bất động sản Quang Anh và CTCP Tập đoàn HVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 7.200 tỉ đồng.

Theo dự kiến, khu công nghiệp này sẽ thu hút các lĩnh vực đầu tư như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch,...

Ban quản lí các khu công nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng xin thành lập khu công nghiệp và đổi tên thành Khu công nghiệp Hắc Dịch.

Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Ban quản lí các khu công nghiệp cần rà soát lại thông tin về chủ đầu tư của dự án nhằm bảo đảm dự án mang lại hiệu quả kinh tế.

Tiềm năng BĐS Phú Mỹ nhìn từ sự phát triển hạ tầng

Dịch Covid-19 vừa mới chấm dứt chưa lâu, thị trường bất động sản Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã sôi động trở lại. So với TP.HCM hay các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, thì BĐS Phú Mỹ được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn vì tiềm năng tăng giá nhanh chóng trong thời gian gần.

Phú Mỹ là khu vực trọng điểm của Bà Rịa – Vũng Tàu
Phú Mỹ trở thành một trong những khu vực trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ khi được đề xuất điều chỉnh từ đô thị loại IV thành loại III trong năm 2020. Theo đó, Phú Mỹ thuận lợi trong việc xây dựng các lộ trình phát triển cũng như cơ chế, chính sách quản lý đô thị, phân bố nguồn lực phát triển đô thị. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Phú Mỹ chắc chắn tăng nhanh, nơi đây cũng sẽ như đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sự thuận lợi về vị trí và đường đi của Phú Mỹ là một yếu tố giúp tăng giá. Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài gần 47 km, nối từ tuyến đường tránh Biên Hòa đến đường vào khu vực cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép sẽ giúp đường từ Biên Hòa xuống Phú Mỹ được rút ngắn đến một nửa. Điều này sẽ giúp thị xã Phú Mỹ phát huy vai trò trung tâm tổng hợp hành chính, đầu mối giao thông, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực lân cận.

Một công trình giao thông đã hoàn thành phần lớn các hạng mục và đang khai thác là đường liên cảng song song ở phía tây QL51; dự kiến khởi công trong năm 2020 cũng làm cho giao thông qua Phú Mỹ trở nên thuận lợi. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xem xét đề án xây dựng sân bay Gò Găng (xã Long Sơn). Dự án này nếu được thông qua và triển khai sẽ giúp tăng giá BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và Phú Mỹ nói riêng lên nhiều lần.

Nhu cầu Bất động sản tại Phú Mỹ tăng cao
Sự hiện diện của các dự án, khu công nghiệp lớn trong khu vực gần sẽ đẩy nhu cầu về nhà ở và nhà cho thuê tại Phú Mỹ lên cao. Chẳng hạn như cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, có thể khai thác được những con tàu trọng tải lớn và vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến các nước Âu - Mỹ mà không phải qua các trạm trung chuyển quốc tế.

Với quy mô 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, Cái Mép hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm giao thương của cả quốc gia và khu vực. Theo đó sẽ thu hút các khu công nghiệp, cùng đông đảo lực lượng lao động và chuyên gia. Thêm vào đó là khu lọc dầu Long Sơn quy mô 6 tỷ USD, khu công nghiệp Phú Mỹ với gần 100.000 lao động, Khu đô thị sinh thái Tây Nam, vườn thú Safari và tổ hợp du lịch Núi Dinh tại Phú Mỹ – Bà Rịa quy mô hơn 3.000 ha...

Nhờ những ưu thế về hạ tầng cũng như vị trí nên mấy năm gần đây, Phú Mỹ trở thành khu vực được lựa chọn cho các chủ đầu tư có thương hiệu FLC, Vingroup, Hưng Thịnh, NovaLand... Có nhà đầu tư còn "chơi lớn" khi xây dựng tuyến phố đi bộ 3D tiên phong tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi những hình ảnh 3D sinh động như thật khiến cho khu nhà hàng ẩm thực đa phong cách trở lên lộng lẫy và hoành tráng, điển hình như dự án LicCity.

Mô hình này dự kiến sẽ tạo một nơi "countdown" mới của cả thành phố cảng Phú Mỹ, mang đến không gian đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí cho lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, logistic công nghệ cao xung quanh.

Phân khúc Bất động sản tiềm năng
Theo các nhà đầu tư phân tích, phân khúc bất động sản tiềm năng tại Phú Mỹ sẽ là nhà ở gần thiên nhiên, nơi được đánh giá là một môi trường sống lý tưởng cho cư dân. Ngoài ra, những khu phức hợp nhà ở - thương mại tại đây cũng rất được quan tâm, do nhu cầu thuê nhà ở của các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc ở các khu công nghiệp cao sẽ tăng.

Tất nhiên, các dự án của các chủ đầu tư uy tín, được quy hoạch đồng bộ và có vị trí đắc địa sẽ thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là khu vực ngay trung tâm Thị Xã Phú Mỹ, giáp quốc lộ 51, gần khu công nghiệp Phú Mỹ và gần cảng nước sâu Cái Mép, không xa so với khu lọc hoá dầu Long Sơn.

Phú Mỹ hiện nay chủ yếu sở hữu quỹ đất sạch dồi dào, giá đất nền lại tương đối "mềm" so với các dự án bất động sản ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai thì giá đất Phú Mỹ chỉ từ 2 triệu/m2. Trong 2 năm tới, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, giá đất khu vực này sẽ tăng từ 30-40%. Đây là lý do thuyết phục để các nhà đầu tư từ TP.HCM đổ xô về Phú Mỹ tìm dự án phù hợp trong thời gian qua.
(Nguồn: báo Tri Thức Trẻ)

Thị xã Phú Mỹ được công nhận là đô thị loại III

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1484/QĐ-BXD ngày 24/11/2020 về việc công nhận thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đô thị loại III.

Theo quyết định này, đô thị loại III Phú Mỹ có diện tích tự nhiên 333,84km2, khu vực nội thị gồm 5 phường: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước. Thị xã Phú Mỹ có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế. 
Thị xã Phú Mỹ cũng đang giữ vai trò chiến lược, khi được định hướng phát triển 4 mũi nhọn kinh tế của tỉnh, gồm: công nghiệp, cảng biển - dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, thị xã Phú Mỹ đã dành nguồn ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó thị xã Phú Mỹ có những bước tiến mạnh mẽ vượt trội về mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.

Với vị trí địa lý cùng những điều kiện thuận lợi đã tạo điều kiện cho Phú Mỹ phát triển kinh tế như: cụm cảng nước sâu Thị Vải-Cái Mép với 35 bến cảng, hệ thống khu công nghiệp lên đến 5.000ha, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối thông thoáng…

Hàng năm, thị xã Phú Mỹ ưu tiên dành hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thị xã để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đến nay hệ thống giao thông với các trục đường chính đã được hoàn thiện.

Mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt các tiêu chí, chuẩn đô thị loại II và đạt yêu cầu để nâng cấp hành chính đô thị từ thị xã Phú Mỹ lên thành phố Phú Mỹ.

Chờ những dự án lớn thúc đẩy cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có đặc trưng đầy đủ của kinh tế biển Việt Nam và với ưu thế cảng container nước sâu, tỉnh này vẫn xác định cảng biển sẽ là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế.
Sáng 23-9, tại TP Bà Rịa, phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII đã diễn ra. Ngày 24-9, đại hội chính thức khai mạc và kết thúc vào chiều 25-9.
Tàu container trọng tải gần 200.000 tấn cập cảng Cái Mép - Thị Vải
Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định cảng biển vẫn là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh này cùng với công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ vừa qua, Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với lượng hàng qua cảng đạt gần 9%/năm, tàu container cập cảng ở đây từ 9 chuyến/tuần vào năm 2015 tăng lên 24 chuyến/tuần vào năm 2020.

Đáng chú ý, Cái Mép - Thị Vải là một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn.
Nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ
Báo cáo chính trị của tỉnh này cũng nhìn nhận hàng hóa thông qua cảng biển tăng cao nhưng lượng hàng container cũng mới chỉ đạt 53% công suất thiết kế. Các dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu triển khai chậm, "hệ sinh thái" cho dịch vụ logistics còn ít,…

Việc này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục kế thừa và phát triển cảng biển, trong đó tập trung đầu tư và hoàn thiện hạ tầng với những dự án lớn kết nối đa phương thức, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước đại hội VII, những khó khăn, vướng mắc của dự án giao thông kết nối lớn như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được tháo gỡ. Đáng chú ý, mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu mong muốn được đầu tư 1 tỉ USD vào dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ).
Con người là trung tâm của sự phát triển
Có 347 đại biểu dự Đại hội đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, trong đó 40 đại biểu đương nhiên, 307 đại biểu được bầu từ các đảng bộ trực thuộc.

Ông Nguyễn Văn Xinh, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết văn kiện trình tại đại hội lần này có sự đóng góp ý kiến của gần 3.000 lượt nhân dân, cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức 23 hội thảo cũng như tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ ngành trung ương.

Quan điểm phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là "lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, lấy mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là minh chứng cho sự tận tâm, trách nhiệm".

(theo tuoitre.vn) 

QuyHoachPhuMy