Hiển thị các bài đăng có nhãn Tintuc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tintuc. Hiển thị tất cả bài đăng

Biến đầm lầy thành đường nối cảng Cái Mép-Thị Vải (16.07.2022)

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Đường 991B dài gần 10 km, hình thành từ vùng đầm lầy, qua sông, rạch kết nối quốc lộ 51 đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Đường 991B khởi công tháng 5/2018, tổng chi phí gần 4.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 3.232 tỷ đồng, 719 tỷ đồng vốn địa phương.

Công trình do Ban quản lý công trình giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư và được phân làm hai đoạn. Đoạn một dài hơn 4,7 km từ điểm đầu giao với đường Hội Bài - Tóc Tiên đến cầu Rạch Tre; đoạn hai dài hơn 5 km từ cầu Rạch Tre đến cuối tuyến nối vào đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Toàn tuyến có 4 cây cầu, trong đó cầu vượt quốc lộ 51 dài 700 m ở phường Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ là hạng mục quan trọng ở điểm đầu dự án. Đến nay, cầu đang thi công bệ thân trụ, dầm liên tục nhịp.
Mặt đường 991B theo thiết kế rộng 35 m, với bốn làn xe. Hơn 9 km trên tuyến được hình thành từ vùng đầm lầy ngập nước.
Sau bốn năm khởi công, trên công trường, xe cơ giới chở vật liệu san lấp mặt đường, xe cẩu và công nhân thi công lắp đặt hệ thống cống thoát nước ở điểm cuối của dự án.

Theo các nhà thầu, địa chất khu vực này rất yếu nên quá trình thi công cần nguồn đất, cát nhiều hơn so với nơi khác để bù lún, gia cố nền, trong khi phải lựa chọn đầu vào kỹ hơn để tránh tình trạng hoá nhão. Giải pháp thi công là sử dụng các máy khoan cọc ximăng đất để gia cố nền trước khi làm các lớp kết cấu móng mặt đường.
Cầu Rạch Ông dài gần 400 m đang được thi công móng cọc, bệ trụ, dầm.
Việc tiếp cận mặt bằng thi công bằng đường bộ chỉ có thể thực hiện ở điểm đầu và cuối dự án. Trong khi công trình phần lớn đi qua vùng các con sông, kênh rạch chằng chịt, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy triều lên xuống trong ngày. Việc chở máy móc, thiết bị, vật liệu thi công phải vận chuyển bằng đường thủy và chỉ có thể thực hiện khi nước lớn.
Cách đó hơn hai km là cầu Mỏ Nhát dài hơn 776 m đang dần hình thành.
Thời gian đầu, dự án này cũng vấp phải nhiều trở ngại trong giải phóng mặt bằng; đường điện và nước ngọt chậm được lắp đặt kéo theo việc sinh hoạt ăn uống của công nhân, chỉ huy công trường và các hạng mục thi công bị ảnh hưởng.
Nhà thầu huy động cẩu, sà lan lớn và làm cầu tạm... để thi công trụ, dầm trên sông Mỏ Nhát.
Ông Đinh Trọng Quỳnh, đại diện nhà thầu, cho biết trong năm nay cầu Mỏ Nhát và Rạch Ông xây xong. Đến tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành phần việc đã ký kết với chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cát, đất đắp đang khan hiếm do cả vùng Đông Nam Bộ đang triển khai nhiều dự án lớn, đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công móng mặt đường.
Trên mặt cầu, Vàng A Ly, 21 tuổi, quê ở Lạng Sơn cùng các đồng nghiệp làm các khung sắt trước khi đổ bêtông. "Ngày làm dưới nắng nực, vừa hơi muối bốc lên rít ráp da khó chịu. Buổi tối bốn bề là nước và quá xa khu dân cư nên chúng tôi dù muốn cũng không thể đi chơi", Ly nói.
Bãi tập kết nguyên vật liệu, thiết bị ở chân cầu Mỏ Nhát.
Theo chủ đầu tư, cùng với dịch bệnh phải ngừng thi công, giá các vật tư như sắt, thép, xi măng, nhiên liệu… biến động tăng cao phần nào ảnh hướng đến kế hoạch của các nhà thầu. Tuy nhiên, đến nay dự án đạt hơn 50% tiến độ, dự kiến hoàn thành năm 2024.
Đoạn cuối đường 991B nối vào đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.
Khi hoàn thành, tuyến đường là trục giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hoá từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu công nghiệp, trung tâm logistics Cái Mép Hạ và trung tâm kho bãi… ra quốc lộ 51, nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sau này.
Đường 991B là một trong 6 dự án giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

(Nguồn: https://vnexpress.net/bien-dam-lay-thanh-duong-noi-cang-cai-mep-thi-vai-4488231.html)

Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo khẩn về dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (15.07.2022)

Dự kiến vào ngày 18/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp thông qua kế hoạch chi tiết triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, gồm dự thảo quyết định, kế hoạch, bảng phụ lục chi tiết do Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải trình.

Ngày 15/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã có văn bản khẩn gửi Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu giao Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai dự án bao gồm dự thảo quyết định, kế hoạch, bảng phụ lục chi tiết. Trong đó nêu rõ đầy đủ các bước thủ tục xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, sản phẩm, thời gian dự kiến bắt đầu kết thúc, căn cứ pháp lý...
Dự kiến vào ngày 18/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp thông qua kế hoạch chi tiết triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Dự thảo kế hoạch gửi cho các sở ngành để góp ý, hoàn chỉnh trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua. Dự kiến thời gian UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp thông qua vào ngày 18/7.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án, trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua tại cuộc họp ngày 18/7.

Sở Giao thông Vận tải đồng thời theo dõi, đôn đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch chi tiết nêu trên để trình tỉnh theo quy định. Do đây là dự án có tính chất rất quan trọng, yêu cầu công việc triển khai mang tính cấp bách, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị triển khai nghiêm túc nội dung chỉ đạo.

Trước đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất giao Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư và quản lý dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải là đơn vị đủ điều kiện về chuyên môn và năng lực để sẵn sàng triển khai đầu tư dự án. Đáng chú ý, Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải đang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, như cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường Long Sơn-Cái Mép, sân bay Gò Găng...

Tỉnh cũng giao Sở Giao thông Vận tải cùng phối hợp xem xét lại hồ sơ, xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể triển khai dự án. Do đó, Sở Giao thông Vận tải phải thường xuyên cập nhật, rà soát và tham mưu cho tỉnh về dự án. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm rà soát và làm tờ trình, trong đó đề xuất kiện toàn nhân sự để hỗ trợ cho Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải làm việc với Ban Quản lý dự án 85 của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận hồ sơ dự án từ Ban Quản lý dự án 85 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.
Bà Rịa-Vũng Tàu xác định, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án có tính chất rất quan trọng, yêu cầu công việc triển khai mang tính cấp bách.
Trong đó, dự án thành phần 1 (từ Km0-Km16) có chiều dài khoảng 16km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 (từ Km16-Km34+200) có chiều dài khoảng 18,2km kết nối với đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến kết nối sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

(Nguồn: https://tienphong.vn/ba-ria-vung-tau-chi-dao-khan-ve-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-post1453795.tpo)

Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư, vì sao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu lại chọn đầu tư công?

Hàng loạt doanh nghiệp xin được đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo hình thức BOT nhưng Bộ Giao thông Vận tải lo dự án sẽ chậm tiến độ, không kịp đưa vào khai thác đồng bộ với các công trình hạ tầng khác ở năm 2025 nên xin chuyển qua đầu tư công.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Hồi cuối tháng 3, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) đã có 2 văn bản xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Cụ thể, trong văn bản 26/LD DIC-HIMLAM, DIC thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Him Lam gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong liên danh này, DIC sẽ làm thành viên đứng đầu liên danh.

Nếu được Thủ tướng giao làm tổng thầu dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng tàu, hai đơn vị này thống nhất cùng đảm nhận thi công và hoàn thiện 50% giá trị công trình. Hai bên cũng cam kết không được chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm theo thỏa thuận liên danh cho thành viên thứ ba nếu chưa có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong liên danh.
Rất nhiều doanh nghiệp muốn làm cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo hình thức BOT vì lượng xe lưu thông trên tuyến này rất cao.
Liên danh DIC-Him Lam xin rút ngắn tiến độ dự án ít nhất 3 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, nhưng không bao gồm chi phí dự phòng. Theo DIC, liên danh này đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình.

Cũng gần như cùng lúc, DIC lại tiếp tục thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ký văn bản số 16/LD DIC-HBC gửi Thủ tướng xin được giao làm tổng thầu xây lắp dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Liên danh DIC-HBC cũng cam kết rút ngắn tiến độ dự án từ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, nhưng không bao gồm chi phí dự phòng.

Trước đó, vào ngày 15/3, liên danh nhà đầu tư CIENCO 6 - COTECCONS - Thuận Việt - Tân Thành đã gửi văn bản đề nghị được giao đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức BOT.

Liên danh này cho biết đã nghiên cứu tính khả thi của dự án và đã thu xếp nguồn vốn để có thể thực hiện theo phương thức PPP. Họ cam kết sẽ góp 5.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho dự án (tương đương 40% phần vốn BOT), đồng thời huy động vốn ngân hàng 3.000 tỷ đồng (30%). Ngoài ra, khoảng 3.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ hình thức trái phiếu dự án.

Liên danh nhà đầu tư cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và đưa vào khai thác trong năm 2025 nếu được Chính phủ và các bộ ngành cho phép triển khai đầu tư.

Vì sao chọn đầu tư công?
Trước đó, ngày 23/9/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức BOT với tổng vốn 19.616 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư huy động 12.987 tỷ đồng và vốn góp của Nhà nước là 6.629 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương triển khai dự án này theo hình thức đầu tư công tại kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 và thông báo số 15-TB/TW ngày 27/4.

Nguyên nhân chuyển dự án sang phương thức đầu tư công là vì những bất cập trong việc triển khai các dự án BOT thời gian qua. Việc chuyển đổi dự án sang đầu tư công cũng để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư dự án bằng vốn ngân sách. Sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận có nhà đầu tư quan tâm và kiến nghị được giao thực hiện dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng hình thức giao thầu không có trong quy định pháp luật; việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với liên danh nhà đầu tư này để cung cấp thông tin về tính cấp thiết của dự án, các quy định pháp luật triển khai theo phương thức đối tác công tư.

Trường hợp tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải tính toán sớm nhất tháng 3/2024 mới có thể khởi công dự án; trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt (tài chính và kinh nghiệm) và thu xếp tín dụng thành công thì đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành.

Đánh giá sơ bộ tiến độ đầu tư theo phương thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định phương thức này khó đáp ứng tính cấp thiết đầu tư của dự án. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư dự án bằng vốn ngân sách. Sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước.

Giải thích kỹ hơn về tính cấp thiết của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải nhận định thời hạn hoàn thành dự án này có mối ràng buộc mật thiết với một loạt dự án hẹn về đích vào năm 2025.

Cụ thể, khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2025, sẽ cần có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối vận tải hành khách và hàng hóa đến sân bay. Ngoài ra, trục cao tốc Bắc - Nam hứa hẹn hoàn thành vào năm 2025 cũng cần kết nối với 12,6 km đi trùng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.

Với áp lực nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định chỉ có đầu tư bằng vốn ngân sách thì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới kịp về đích vào năm 2025. Nhà nước sẽ không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án nếu đầu tư BOT.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Dự án có điểm đầu tại vị trí giao cắt với quốc lộ 1 tránh TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại vị trí giao cắt với quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án được xây dựng theo quy mô 4-6 làn xe cao tốc. Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
(Nguồn: https://tienphong.vn/nhieu-doanh-nghiep-xin-dau-tu-vi-sao-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-lai-chon-dau-tu-cong-post1452987.tpo)

Dự án cầu 5.000 tỷ nối Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu được duyệt bồi thường tái định cư (09.07.2022)

UBND các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An đã được phê duyệt, theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 9/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Theo công văn 576/TTg-NN ngày 8/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An như đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ý kiến thẩm tra của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, thông tin, số liệu của Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An. UBND các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An đã được phê duyệt, theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến hướng dẫn xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cầu Phước An.

Theo đó, cầu Phước An là dự án giao thông trọng điểm thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư là 4.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện giai đoạn từ năm 2021-2025. Hiện tại, dự án đã được HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 35 ngày 4/8/2020.

Vị trí dự án đi qua 2 địa bàn là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất phải thu hồi là 13,18 ha, trong đó diện tích thu hồi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha. Công tác lập bản đồ địa chính, thủ tục thu hồi đất, giao đất của 2 địa phương đang được Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải thực hiện và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.

Tuy nhiên, dự án cầu Phước An lại đang gặp khó trong việc bồi thường tái định cư vì phải thu hồi đất ở nhiều tỉnh, thành. Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khoản 1 Điều 17 Nghị định số 47 chỉ quy định bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà không quy định trường hợp dự án do cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư như dự án cầu Phước An nên không xác định được cơ quan, đơn vị nào sẽ xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Vì vậy, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án cầu Phước An.

Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp quyết định đầu tư, có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Tổng diện tích dự án là 13,19 ha, trong đó phạm vi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha.

Cầu Phước An có chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h.

Theo thiết kế, phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5m; cầu chính rộng 25m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tháp cầu trụ chính cầu Phước An làm bằng bêtông cốt thép vuốt cong vào giữa tạo kiến trúc, hình dạng “Ngọn lửa-Cánh buồm” theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải cho biết, công trình sẽ khởi công khi được bố trí vốn và hoàn thành công trình sau 5 năm thi công.

Hơn 10 năm qua, hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là cảng này thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và miền Tây.

(Nguồn: https://tienphong.vn/du-an-cau-5-000-ty-noi-dong-nai-voi-ba-ria-vung-tau-duoc-duyet-boi-thuong-tai-dinh-cu-post1452281.tpo)

Ai là chủ đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu?

Ngoài làm chủ đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải đang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, như cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường Long Sơn-Cái Mép, sân bay Gò Găng...

Ngày 8/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã thống nhất giao Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư và quản lý dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải là đơn vị đủ điều kiện về chuyên môn và năng lực để sẵn sàng triển khai đầu tư dự án. Đáng chú ý, Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải đang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, như cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường Long Sơn-Cái Mép, sân bay Gò Găng...

Tỉnh cũng giao Sở Giao thông Vận tải cùng phối hợp xem xét lại hồ sơ, xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể triển khai dự án. Do đó, Sở Giao thông Vận tải phải thường xuyên cập nhật, rà soát và tham mưu cho tỉnh về dự án. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm rà soát và làm tờ trình, trong đó đề xuất kiện toàn nhân sự để hỗ trợ cho Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải.
Bà Rịa-Vũng Tàu giao Ban Quản lý Dự án giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư và quản lý dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải làm việc với Ban Quản lý dự án 85 của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận hồ sơ dự án từ Ban Quản lý dự án 85 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (từ Km0-Km16) có chiều dài khoảng 16km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 (từ Km16-Km34+200) có chiều dài khoảng 18,2km kết nối với đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến kết nối sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Rục rịch giải phóng mặt bằng
Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai dự án cao tốc, Bà Rịa đã tiến hành khảo sát, thống kê sơ bộ các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có sử dụng đất, tài sản gắn liền với các thửa đất bị thu hồi nằm trong tuyến thu hồi dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Theo đó, tổng số hộ bị thu hồi đất để thực hiện dự án ở Bà Rịa dự kiến khoảng 600 hộ. Diện tích đất bị thu hồi dự kiến hơn 300.000m2. Trong đó, bồi thường đất ở dự kiến hơn 260 lô; giao đất ở dự kiến hơn 140 lô. Hiện công tác kiểm đếm, thống kê đang được hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cũng đã ký văn bản về việc xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Trong đó, giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương liên quan, chủ đầu tư về quy trình lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng dự án.
Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã bố trí xong vốn giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết bố trí 670 tỷ đồng để trả 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trong năm 2022. Nguồn bố trí vốn là nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn khác.

Tại Đồng Nai, để phục vụ xây dựng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh này sẽ thu hồi đất gần 373 ha trên địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Long Thành. Đồng thời thực hiện bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân.
Hồi cuối tháng 5/2022, HĐND tỉnh Đồng Nai họp chuyên đề (kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X) về việc thông qua nghị quyết sử dụng nguồn vốn ngân sách cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Theo đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương bố trí hơn 2.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh tham gia vào dự án (tương đương 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng) để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1. Trường hợp nếu điều chỉnh tăng thêm tổng mức vốn đầu tư của dự án, Đồng Nai cũng cam kết bố trí đủ số vốn tăng thêm.
(Nguồn: https://tienphong.vn/ai-la-chu-dau-tu-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-post1451962.tpo)

Cầu 5.000 tỷ đồng nối Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khởi công trong tháng 9 (01.07.2022)

Dự án cầu Phước An sẽ hoàn thành công trình sau 5 năm thi công và nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 1/7, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo kế hoạch cầu Phước An sẽ được khởi công vào tháng 9/2022. Đó là lộ trình đã được xác định và quyết tâm thực hiện. Do đó, Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải cần thống kê lại và lên kế hoạch làm ngay, quá trình triển khai vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó.

Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp quyết định đầu tư. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Tổng diện tích dự án là 13,19 ha, trong đó phạm vi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha.

Cầu Phước An có chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h.

Theo thiết kế, phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5m; cầu chính rộng 25m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tháp cầu trụ chính cầu Phước An làm bằng bêtông cốt thép vuốt cong vào giữa tạo kiến trúc, hình dạng “Ngọn lửa - Cánh buồm” theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, công trình sẽ hoàn thành công trình sau 5 năm thi công và nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Phối cảnh dự án cầu Phước An.
Dự án cầu Phước An đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận vị trí xây dựng, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Quốc hội có Nghị quyết phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó dự án cầu Phước An được bố trí kế hoạch vốn bằng nguồn ngân sách Trung ương; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho dự án; Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An.

Năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu đã phân bổ 100 tỷ đồng cho việc triển khai thực hiện dự án cầu Phước An. Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải đang tích cực thúc đẩy giải ngân, khẩn trương thực hiện các kế hoạch của gói thầu đã phê duyệt.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu khảo sát lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, thiết kế bản vẽ thi công đồng thời đã hoàn thành công tác kiểm kê đất tại thị xã Phú Mỹ... Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải đang hoàn thiện hồ sơ khung chính sách bồi thường theo gợi ý của Bộ Tài nguyên Môi trường để trình Chính phủ quyết định. Dự kiến đầu tháng 7/2022 sẽ hoàn tất công tác rà phá bom mìn. Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND thị xã Phú Mỹ đã kiểm kê xong đang chờ khung chính sách để thực hiện bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi.

Hơn 10 năm qua, hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là cảng này thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và miền Tây.

Do đó, cầu Phước An có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối cao tốc Bến Lức-Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn. Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.

(Nguồn: https://tienphong.vn/cau-5-000-ty-dong-noi-dong-nai-voi-ba-ria-vung-tau-se-khoi-cong-trong-thang-9-post1450096.tpo)

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt (25.06.2022)

Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Với khoảng 53,7 km, dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 519,64 ha, với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Đáng lưu ý, việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư Dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư Dự án.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công…

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; tính toán phạm vi và tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án thành phần đó.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng hoặc giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

(Nguồn: https://tienphong.vn/cao-toc-bien-hoa-vung-tau-duoc-ap-dung-cac-co-che-chinh-sach-dac-biet-post1448685.tpo)

Người dân các nước được sở hữu chung cư bao nhiêu năm?

Trung Quốc cho phép sở hữu căn hộ tối đa 70 năm, Singapore quy định thời hạn là 99 năm, còn Thái Lan thông thường là 30 năm.

Mới đây, trong đề cương sửa Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như trước. Lý do là theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.

Tuy nhiên, từ khi được công bố, đề xuất này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân và các chuyên gia bất động sản. Họ cho rằng hiện chưa phải lúc giới hạn thời gian sở hữu nhà chung cư. Thậm chí có ý kiến rằng thời hạn 50-70 năm không phù hợp với tâm lý sở hữu tài sản lâu dài của đại đa số cư dân đô thị.

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia đã áp thời hạn sở hữu nhà chung cư, như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Có nhiều nguyên nhân cho việc này, từ quyền sử dụng đất bị giới hạn, diện tích đất xây dựng ít, giá nhà đắt đỏ đến lo ngại công trình xuống cấp...

Tại Trung Quốc, đất đai ở khu vực thành thị và đất xây dựng thuộc sở hữu của nhà nước, SCMP cho biết. Đến thập niên 90, chính sách cải tổ nhà đất cho phép người Trung Quốc sở hữu nhà vĩnh viễn. Còn phần đất mà căn nhà đó được xây lên chỉ được sử dụng một thời gian. Vì thế, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư cũng bị giới hạn theo, thường từ 40 đến 70 năm.

Thời gian thuê đất 40, 50 hay 70 năm giúp người mua yên tâm giao dịch và thị trường bất động sản nhảy vọt, kéo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong 2 thập kỷ sau đó.
Các căn hộ chung cư ở Giang Tây (Trung Quốc).
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh với những hợp đồng thuê đất ngắn hơn kết thúc. Giữa 2016, những lô đất có thời hạn thuê 20 năm (được giao ở thập niên 90) tại Ôn Châu chuẩn bị hết hạn. Việc này thu hút sự chú ý lớn khi đó, do đây là các lô đầu tiên đến hạn sau cuộc cải tổ nhà đất ở Trung Quốc. Luật Bất động sản năm 2007 của nước này quy định quyền sử dụng đất có thể được gia hạn, nhưng lại không ghi rõ tiêu chí để làm việc này.

Giới chức Ôn Châu khi đó giải quyết bằng đề xuất tính phí gia hạn vào khoảng 30% giá trị căn nhà. Việc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các chủ sở hữu nhà. Dù theo China Youth Daily, số nhà được xây trên đất thuê 20 năm tại Ôn Châu khá ít, việc này cũng khiến giao dịch bất động sản tê liệt vì sự thiếu chắc chắn quanh vấn đề thời hạn sử dụng đất.

Chính phủ Trung Quốc sau đó cam kết sẽ nghiên cứu vấn đề này. Cuối năm đó, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc thông báo các bất động sản có thời hạn 20 năm ở Ôn Châu sẽ được gia hạn tự động, không mất phí.

Trong một cuộc họp báo tháng 3/2017, Thủ tướng nước này - Lý Khắc Cường cũng lên tiếng trấn an những người sở hữu nhà trên đất có thời hạn 70 năm tại Trung Quốc nói chung.

"Quyền sử dụng đất có thể được gia hạn mà không cần nộp đơn hay thỏa mãn điều kiện định trước. Giao dịch với bất động sản đó cũng sẽ không bị ảnh hưởng", Xinhua trích lời lãnh đạo Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, tại Singapore, người dân được sở hữu bất động sản theo hai hình thức: lâu dài (freehold) và có thời hạn (leasehold). Với dạng leasehold, thời hạn sở hữu nhà thường là 99 năm hoặc 999 năm. Khi hết hạn, tài sản sẽ phải trả về cho chủ đất. Tại nước này, phần lớn đất thuộc sở hữu của Chính phủ.

Channel News Asia cho biết hơn 80% dân số Singapore hiện sống trong nhà ở xã hội do chính phủ xây dựng (căn hộ HDB), có thời hạn sở hữu 99 năm. Nguyên nhân là diện tích đất của Singapore rất ít và giá bất động sản ở đây cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Các chung cư dạng freehold thường có giá tới cả triệu USD, trong khi căn hộ HDB chỉ khoảng vài trăm nghìn USD, theo SCMP.
Các căn hộ HDB ở Singapore.
Người mua căn hộ HDB cũng được hưởng lãi suất ưu đãi, hiện chỉ là 2,6% một năm (0,1% + lãi suất gửi tiết kiệm tại Quỹ Tiết kiệm Trung ương CPF). Sau 99 năm, các căn hộ HDB sẽ được trả về cho chính phủ. Chính phủ sẽ tái phát triển khu đất và xây các căn hộ mới.

"Đây là cách duy nhất để tái chế khu đất và đảm bảo thế hệ sau có thể mua căn hộ cho riêng mình", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long năm 2018 giải thích về việc đặt giới hạn 99 năm. "Nếu chính phủ bán ra dưới dạng sở hữu vĩnh viễn, sớm muộn chúng ta sẽ hết đất xây căn hộ mới. Bên cạnh đó, sau một thế kỷ, các hệ thống điện nước đã lỗi thời và bê tông cũng xuống cấp".

Ông trấn an người dân rằng, sau khi hết hạn sở hữu, chính phủ sẽ hỗ trợ người dân tìm căn hộ mới để sinh sống.

Thời hạn 99 năm cũng được áp dụng cả với căn hộ do các công ty tư nhân xây. Kể từ năm 1967, tất cả khu vực cho đất ở tư nhân tại Singapore được bán theo hình thức leasehold với thời hạn không quá 99 năm.

Việc giới hạn thời gian sở hữu bất động sản thậm chí được áp dụng tại các thành phố lớn như Hong Kong (Trung Quốc) hay Canberra (Australia). Thông tin trên website của LegCo - Hội đồng lập pháp Hong Kong - cho biết từ năm 1997, thời hạn cho thuê đất là 50 năm, có thể gia hạn thêm 50 năm nữa mà không phải đóng thêm ngoài phí thuê hàng năm. Còn Canberra áp dụng hệ thống cho thuê 99 năm như Singapore.

Tại Thái Lan, tất cả bất động sản, từ nhà ở, biệt thự đến chung cư đều có thể được mua theo hình thức leasehold. Thời gian sở hữu thông thường là 30 năm, sau đó phải trả về cho chủ đất, có thể là tư nhân hoặc nhà nước.

Người mua theo dạng này có quyền với nhà ở, thường mua được với giá thấp hơn bất động sản sở hữu vô thời hạn, do họ không có quyền sở hữu mảnh đất. Theo Luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, hết 30 năm, người mua có thể gia hạn thêm 30 năm nữa. Tuy nhiên, lựa chọn gia hạn này được coi là thỏa thuận riêng giữa các bên liên quan, Bangkok Post cho biết.

Ở Mỹ, leasehold là thỏa thuận giữa người sở hữu đất (chính phủ hoặc tư nhân) và người thuê. Vì thế, việc thuê sẽ có thời hạn tùy thỏa thuận. Khi hợp đồng chấm dứt, quyền sử dụng đất, có thể bao gồm cả tài sản trên mảnh đất đó, sẽ được chuyển về cho người chủ.

US News cho biết hình thức này không phổ biến trên thị trường nhà ở tại Mỹ, trừ một số nơi như Hawaii, Baltimore hay Florida với thời hạn thông thường 99 năm. Nó phổ biến trên thị trường bất động sản thương mại hơn.

Leasehold với Anh và xứ Wales lại phổ biến hơn, hầu hết người dân sở hữu căn hộ thông qua hình thức này, hãng bất động sản Savills cho biết. Website của chính phủ Anh định nghĩa leasehold là thỏa thuận có thời hạn giữa chủ đất và người thuê.

Phần lớn các căn hộ ở đây sử dụng hình thức này. Nhà ở cũng có thể được mua dưới dạng leasehold, nhưng thường là nhà theo chương trình mua chung. Sau khi hết thời gian sử dụng, hợp đồng có thể được gia hạn thêm 90 năm với căn hộ và 50 năm với nhà ở.

(Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-dan-cac-nuoc-duoc-so-huu-chung-cu-bao-nhieu-nam-4472922.html)

Tintuc