Hiển thị các bài đăng có nhãn CaoTocDauGiayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CaoTocDauGiayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dần thành hình (19.04.2022)

Sau 2 năm thi công, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dần thành hình, nhiều đoạn đã thảm nhựa, làm cầu vượt, dự kiến xong trong năm 2025.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, khởi công tháng 9/2020, tổng chi phí hơn 12.500 tỷ đồng, hiện đạt 38,5% tiến độ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.

Sau 19 tháng thi công, đoạn đầu kết nối với cao tốc Dầu Giây - TP HCM thuộc huyện Thống Nhất (Đồng Nai) dần hiện rõ trục đường. Đây là nút giao quan trọng trong tổng 6 nút của cao tốc này.
Phần cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 52 km, với nhiều đoạn cao tốc đã trải thảm nhựa. Theo thiết kế, chiều rộng mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h.

Ban điều hành dự án cho biết toàn tuyến cơ bản đã liền mạch, chỉ còn một số điểm như nút giao, cầu vượt, đường điện cao thế…
Toàn tuyến có 65 cầu với 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt. Cầu vượt dân sinh thuộc xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, được thi công cơ bản hoàn thành, chiều 18/4.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thắng cho biết gói thầu đi qua xã Xuân Quế, hai bên đều là rừng cao su, nền đất đỏ khá mềm, phải sử dụng nguồn nguyên liệu đất từ nơi khác đến đắp nền.
Cùng ngày, tại đoạn qua xã Hàng Gòn (TP Long Khánh), xe lu liên tục di chuyển để thảm nhựa đường cao tốc.
Cách đó khoảng 30 km, đoạn đi qua xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), dự án đang được thảm nhựa, hàng chục xe cơ giới liên tục ra vào công trình.

Trên toàn tuyến, các nhà thầu đã triển khai đồng bộ 69 mũi thi công, huy động 767/930 máy móc thiết bị, làm việc 3 ca/ngày.
Ở đoạn ven hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc) là công trường thi công hệ thống thoát nước của cao tốc, với hai mố cầu đang được xây dựng.
Ở một đoạn khác thuộc xã Xuân Tâm, hơn chục công nhân tiến hành đúc dầm cầu vượt.
Trên mặt cầu vượt cạnh đó, công nhân làm các khung sắt trước khi đổ bê tông. "Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên chúng tôi luôn cố gắng làm việc nghiêm túc, khoa học theo yêu cầu của chủ đầu tư", anh Tâm, 18 tuổi (mũ trắng) cho biết.

Đoạn đi qua xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), công nhân tất bật thi công mặt đường, gia cố xi măng và rải cấp phối đá dăm.
Nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với quốc lộ 1A trên huyện Xuân Lộc đang dần "lộ diện". Hiện trạng mặt cao tốc dần hình thành và kết nối các mũi thi công với nhau.

Cao tốc đi qua núi Chứa Chan (tên gọi khác là Gia Ray hay Gia Lào), cao hơn 830 m, được ví là "nóc nhà" của Đồng Nai, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, năm 2012.
Một đoạn cao tốc đi qua thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) đang thi công nền đường, trưa 18/4.
Một số khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, biến động giá vật liệu, thời tiết bất lợi, Covid-19, chậm bàn giao mặt bằng… là nguyên nhân khiến cao tốc qua đoạn này chậm tiến độ. Tuy nhiên, các nhà thầu cam kết hoàn thành dự án trong năm nay sau nhiều đốc thúc từ Bộ Giao thông Vận tải.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và các tuyến cao tốc khác
Cao tốc khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên quốc lộ 1. Cao tốc góp phần kết nối sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP HCM - Long Thành - Phan Thiết.

(Nguồn: https://vnexpress.net/cao-toc-phan-thiet-dau-giay-dan-thanh-hinh-4452979.html)

Nhiều nhà thầu thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết yếu kém (25.03.2022)

Ngày 25-3, tin từ Ban quản lý dự án (BQLDA) 7 cho biết, ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc BQLDA vừa có báo cáo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) về tình hình thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Hàng loạt nguyên nhân gây chậm tiến độ
Theo đó, tính từ 1-1-2022 đến nay, tiến độ thực hiện dự án chuyển biến chậm (chỉ đạt 37,62% kế hoạch sản lượng), chưa đáp ứng yêu cầu, các hạng mục thi công tiến độ vẫn chưa đáp ứng, đặc biệt là công tác đắp nền.

Nguyên nhân chính vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu, công tác đắp nên đường mặc dù có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 76% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra (3,48/4,57 triệu m3).

Bên cạnh đó, sự vào cuộc, tiếp cận Dự án của một số nhà thầu chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của Dự án. Bộ máy Ban điều hành của nhà thầu thiếu về số lượng và yếu kém về năng lực, không được giao thực quyền, không điều hành được các tổ đội thi công, nhà thầu phụ dẫn đến tổ chức thi công không khoa học, không điều phối được các mũi thi công và phát huy tối đa công suất của máy móc, thiết bị hiện có trên công trường.

Nhà thầu không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA7, thi công cầm chừng, không quyết liệt về việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Có tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng, đang tháo gỡ nhưng nguồn tiền về công trường vẫn còn chậm trễ dẫn đến huy động vật tư, vật liệu, nhiên liệu chưa kịp thời theo tiến độ thi công. Công tác huy động mũi thi công chỉ đạt 80/86 mũi so với yêu cầu, tuy nhiên số lượng nhân sự, thiết bị ở các mũi thi công này thường xuyên biến động, không đảm bảo yêu cầu.

Nhà thầu đang thực hiện thủ tục cấp phép với 6 mỏ còn lại tuy nhiên thủ tục cấp phép còn chậm hơn kế hoạch đặt ra (dự kiến tháng 3-2022 có 4/6 mỏ có thể cấp vật liệu cho dự án) nhưng đến nay chưa thể khai thác do vẫn còn phải thực hiện các thủ tục đất đai.
Một đoạn thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Phạt 0,05% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm
Dự án hiện nay đang chậm tiến độ, nếu các đơn vị thi công không tích cực sẽ không thể bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo Hợp đồng. Vì vậy, theo BQLDA 7 cần phải được khắc phục một cách tổng thể có hệ thống từ tổ chức thi công và quản lý chất lượng.

Cụ thể ngày 17-3, Bộ GTVT đã chủ trì làm việc với Ban QLDA7, các đơn vị tư vấn giám sát, lãnh đạo các đơn vị thi công về việc kiểm điểm tiến độ thi công dự án. Đồng thời, Bộ yêu cầu nhà thầu thi công ký cam kết khối lượng chính, sản lượng thực hiện với các mốc thời gian từ nay đến 15-4 và 30-6 thực hiện trong 30 ngày (kể từ 15-3 đến 15-4).

Tại cuộc họp, các nhà thầu cam kết sẽ phân công lãnh đạo có quyền hạn, trách nhiệm thường trực ở công trường để trực tiếp chỉ đạo, kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình thi công. Tăng cường huy động máy móc thiết bị, nhân vật lực, tổ chức lại lực lượng điều hành, thi công nhiều mũi, tăng ca, kíp để bù lại các khối lượng đã bị chậm, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Nếu tiếp tục vi phạm cam kết đã ký, nhà thầu hoàn toàn chấp nhận chịu phạt 0,05% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm nhưng không quá 12% giá trị hợp đồng. Cắt chuyển khối lượng bị chậm trễ giao cho đơn vị khác thực hiện; bị đánh giá năng lực thi công không đáp ứng yêu cầu và đăng tải trên công thông tin của Bộ GTVT làm cơ sở để Bộ xem xét đánh giá không đủ điều kiện tham gia các dự án do Bộ làm chủ đâu tư.
Đoạn thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Bình Thuận.
Tiếp tục phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm 17 vị trí giao cắt điện cao thế (220kV và 500kV), đồng thời xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi công.

Về nguồn vật liệu đất đắp, tích cực phối hợp với địa phương hoàn tất thủ tục cấp phép với các mỏ đang làm thủ tục cũng như các mỏ đang cấp phép theo cơ chế đặc thù để có thể đưa tối thiếu 5/7 mỏ vào khai thác trong tháng 3-2022.
Ngày 25-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận họp bàn phương án tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Dự án đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 134 km, với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên theo ông Đông hiện vẫn còn thiếu hơn 2,4 triệu m3 vật liệu, tập trung tại 3 mỏ đang làm thủ tục cấp phép đưa vào khai thác.

Do tiến độ dự án đang vào giai đoạn nước rút, không còn đường lùi nên ông Đông đề nghị đối với mỏ vật liệu, địa phương nên quyết định sớm để các nhà thầu và chủ đầu tư có phương án chủ động.

Ông Đông cũng yêu cầu nhà thầu, Ban QLDA 7 phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện song song các thủ tục để khẩn trương thi công nền đường….

(Nguồn: https://plo.vn/nhieu-nha-thau-thi-cong-cao-toc-vinh-hao-phan-thiet-yeu-kem-post673073.html) 

5 dự án cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai (08.03.2022)

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có năm tuyến đường cao tốc đi qua. Trong số này, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015. Hai dự án khác đã được khởi công xây dựng gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương cũng đang được Đồng Nai và các tỉnh liên quan họp để thống nhất xây dựng.

Đề xuất xây hai tuyến cao tốc
Mới đây, Bộ GTVT đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo Bộ GTVT, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60 km, với điểm đầu kết nối với quốc lộ (QL) 1 tại điểm trùng với cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất. Điểm cuối tại vị trí giao cắt với QL20 thuộc địa phận huyện Tân Phú (kết nối với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Cũng theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 8,3 ngàn tỉ đồng và sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP - hợp đồng BOT). Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là hơn 7.000 tỉ đồng; phần vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 1,3 ngàn tỉ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án sẽ thực hiện chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (TĐC), hỗ trợ xây dựng công trình.

Đối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Đến đầu năm 2022, Bộ GTVT có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó đề xuất sử dụng hơn 17,8 ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng.

Bộ GTVT kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, với nhu cầu sử dụng vốn ước tính khoảng 14,2 ngàn tỉ đồng (khoảng 80% tổng mức đầu tư). Số vốn này đã dự kiến phân bổ hơn 5,3 ngàn tỉ đồng trong tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, sử dụng khoảng 3,5 ngàn tỉ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của cả nước khoảng 5,4 ngàn tỉ đồng.

Sẽ có thêm hơn 180 km đường cao tốc
Tháng 10-2009, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng. Sau khi khai thác từng đoạn, đến tháng 2-2015, toàn bộ tuyến đường cao tốc dài 51 km được đưa vào khai thác. Với dự án này, Đồng Nai chính thức có khoảng 40 km đường cao tốc đầu tiên đi qua địa bàn.

Bên cạnh đó, hiện có hai dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đang được thi công gồm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công đầu năm 2015. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2020 nhưng do khó khăn về nguồn vốn, dự án hiện mới chỉ hoàn thành khoảng 84% tổng khối lượng. Hiện nay, tiến độ dự án đã được Thủ tướng gia hạn hoàn thành đến ngày 31-12-2023.

Nếu được các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về cơ chế bố trí vốn, dự án này hoàn thành đúng tiến độ đã được gia hạn, đến cuối năm 2023 Đồng Nai sẽ có thêm gần 77 km đường cao tốc. Trong số này có hơn 25 km từ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và hơn 51 km từ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong khi đó, đối với ba dự án đường cao tốc đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 và Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ đóng góp thêm cho Đồng Nai hơn 105 km đường cao tốc.

Đối với đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan và UBND hai tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai vào cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu phải khởi công dự án trong tháng 10-2022 và hoàn thành trong năm 2025. Với hai tuyến cao tốc còn lại gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1, Bộ GTVT đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.
Đầu tư nhiều tuyến giao thông huyết mạch
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa hai địa phương Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, giảm lượng giao thông cho QL51. Đặc biệt, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ tạo mạng lưới giao thông kết nối của sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển mang lại hiệu quả và chắc chắn sẽ tạo ra động lực để cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã khởi công; cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Cùng với đó, tỉnh đang đầu tư nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối các tuyến tỉnh lộ với đường cao tốc, kết nối với cảng hàng hóa và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

“Chưa khi nào Đồng Nai có điều kiện thuận lợi để đầu tư đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển như hiện nay. Bởi đây đã được xác định là nhiệm vụ đột phá của tỉnh và của trung ương giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống giao thông Đồng Nai hình thành rõ nét và đồng bộ không chỉ trong tỉnh mà còn là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Dũng nhận định.

(Nguồn: https://plo.vn/5-du-an-cao-toc-di-qua-tinh-dong-nai-post670634.html)

3 đoạn cao tốc Bắc - Nam thi công xuyên tết (26.01.2022)

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2 đang được các nhà thầu tăng tốc thi công để bù tiến độ bị chậm trước đó. Theo đó, các nhà thầu dự án đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng thi công trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Các dự án còn chậm so với tiến độ
Ban quản lý dự án 7 (Ban 7 - chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2) cho biết: Dự án dự kiến hoàn thành năm 2023. Do vậy, dù cận tết song các công nhân, kỹ sư vẫn hăng say làm việc. Tất cả đều mong muốn đưa dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Ban 7 cho biết thêm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành, trong đó phía tỉnh Vĩnh Long, phần tuyến chính đã xong và bàn giao cho nhà thầu thi công. Công tác GPMB bổ sung phục vụ thi công đường tạm dự kiến bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I-2022.

Về phía đầu cầu bên Tiền Giang, công tác chi trả, bồi thường cho các hộ dân cơ bản cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên, công tác di dời đường dây cao thế còn chậm.

Đối với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (cũng do Ban 7 làm chủ đầu tư), ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc dự án, cho biết sản lượng thi công đến thời điểm này lẽ ra phải đạt 1.452,35 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sản lượng các nhà thầu chỉ đạt 1.329,39 tỉ đồng, chậm 2,03% so với tiến độ thi công được duyệt.

Nguyên nhân sản lượng thi công còn chậm là do vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật chưa di dời, thiếu vật liệu thi công và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân chủ quan khác như công tác huy động mũi thi công, thiết bị máy móc, nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường. Mặc dù nhà thầu đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả gói thầu, chỉ đạt 92% so với kế hoạch đề ra.

“Dự án hiện nay tuy còn chậm nhưng với phương pháp tổ chức, chuẩn bị và khắc phục một số tồn tại thì trong thời gian tới sẽ bắt kịp tiến độ, hoàn thành theo hợp đồng” - ông Huy nhấn mạnh.

Còn dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết hiện tiến độ chưa đáp ứng được kế hoạch sản lượng. Tuy nhiên, với phương pháp tổ chức, sự chuẩn bị đầy đủ thì tiến độ của dự án trong quý I-2022 sẽ vượt yêu cầu và sẽ về đích sớm từ một đến ba tháng so kế hoạch.

Thi công xuyên tết để bù tiến độ
Ban 7 cho biết năm 2022 là một năm vô cùng quan trọng đối với cầu Mỹ Thuận 2, trong đó hứa hẹn đưa ba gói thầu hoàn thành trong năm. Cụ thể, gói thầu XL01 (thi công cầu dẫn phía Tiền Giang) và XL02 (cầu dẫn phía Tiền Giang) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2022 và gói thầu XL04 (thi công cầu dẫn phía Vĩnh Long) sẽ hoàn thành vào tháng 9-2022.

Đối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban 7 cho biết trong dịp nghỉ tết Nguyên đán 2022, dự án vẫn thi công xuyên tết để bù vào những mũi thi công đang chậm tiến độ.
Cận cảnh dự án cầu Mỹ Thuận 2
Theo đó, Ban 7 đã chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn giám sát lập kế hoạch triển khai thi công trong dịp nghỉ tết này. Cụ thể, các mũi thi công đào phá đá, đắp nền, cấp phối đá dăm… sẽ được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ.

Ban 7 và nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bình Thuận, các cơ quan liên quan đảm bảo thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại trong tháng 1-2021.

Cũng theo Ban 7, dự án sẽ phấn đấu phải hoàn thành toàn bộ khối lượng thi công nền đường trước mùa mưa (tháng 6-2022). Khối lượng đắp nền đã thi công đến nay đạt 2,7/9,2 triệu m3, khối lượng còn lại 6,5 triệu m3. Trung bình cả dự án phải đắp gần 40.000 m3 rời/ngày, hiện tại chỉ thi công được khoảng 15.000 m3/ngày do không có đủ nguồn vật liệu đất đắp.

Theo Ban 7, nhà thầu đang chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế (đất, đá tầng phủ qua nghiền sàng) để giải quyết nhu cầu trước mắt. Dự kiến tới tháng 6-2022 phần cầu, hầm chui, thoát nước cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Đại diện dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng cho biết đã có một số nhà thầu đăng ký tổ chức thi công xuyên tết Nguyên đán 2022.

Tính đến nay, tổng sản lượng dự án đạt hơn 28%. Trường hợp các đơn vị thi công xuyên tết thì khối lượng dự án dự kiến sẽ được nâng lên khoảng 30% sau tết.

Đối với các gói thầu đang chậm, nhà thầu đã cập nhật lại kế hoạch cho sát với thực tế để huy động thêm nhân lực, thiết bị. Dự án phấn đấu cán đích vào cuối năm 2022.
Phạt 0,05% giá trị hợp đồng mỗi ngày nếu thi công chậm
Thời gian qua, Ban 7 đã có nhiều văn bản phê bình, xử lý vi phạm hợp đồng đối với một số nhà thầu. Ban này cũng đưa những nhà thầu chậm tiến độ, chưa quyết liệt triển khai thi công vào diện theo dõi đặc biệt.

Trong thời gian tới, nếu không quyết liệt triển khai thi công để bù tiến độ, Ban 7 sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét cắt chuyển khối lượng chậm giao cho đơn vị khác thi công và xử phạt theo quy định hợp đồng.

“Nhà thầu phải chịu mức phạt là 0,05% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày nếu vi phạm chậm tiến độ. Tuy nhiên, tổng số tiền phạt không quá 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm” - Ban 7 thông tin.

(Nguồn: https://plo.vn/3-doan-cao-toc-bac-nam-thi-cong-xuyen-tet-post666365.html) 

Đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn (27.12.2021)

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Ban quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long và BQLDA 7 là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đều cho biết dự án đang gặp nhiều khó khăn về giá cả và nguồn nguyên vật liệu. Mới đây, các đơn vị này tiếp tục có kiến nghị gửi Bộ GTVT đề xuất các giải pháp để sớm đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ
Theo BQLDA Thăng Long, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng đạt 99,93%. Giá trị giải ngân các gói thầu xây lắp đến nay đạt 1.860 tỉ đồng/2.156 tỉ đồng (kế hoạch vốn năm 2021 đạt 86,3%). Trong khi đó, theo mục tiêu hoàn thành đến cuối năm 2021, sản lượng và khối lượng phải đạt 2.128 tỉ đồng, chiếm 36,43% hợp đồng.

BQLDA Thăng Long cho biết giai đoạn sáu tháng đầu, cả bốn gói thầu đều bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm. Do vướng mặt bằng nên không thể thông đường công vụ làm ảnh hưởng đến việc tập kết thiết bị, vật tư. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn chủ quan, một số nhà thầu tiếp cận dự án chưa quyết liệt, xây dựng kế hoạch chưa sát thực tế dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ. Đến nay, các gói thầu từng bước khắc phục các khó khăn, từng bước huy động và đẩy nhanh tiến độ thi công khi mùa khô bắt đầu.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được đẩy nhanh tiến độ.
“Tuy tiến độ chưa đáp ứng được kế hoạch sản lượng nhưng với phương pháp tổ chức, sự chuẩn bị đầy đủ thì tiến độ của dự án trong quý I-2022 sẽ vượt yêu cầu và sẽ về đích sớm từ một đến ba tháng” - BQLDA Thăng Long cho biết.

Tương tự, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, BQLDA 7 cho biết đến nay các địa phương đã bàn giao đủ mặt bằng. Sản lượng thi công đến thời điểm hiện tại là 1.381,37 tỉ đồng, sản lượng các nhà thầu bị chậm 18,33% so với kế hoạch. Theo kế hoạch, đến hết năm 2021, dự án phải giải ngân đạt 1.583,5 tỉ đồng nhưng việc này là không khả thi. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch COVID-19, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp còn chậm cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án.

“Nguyên nhân chính vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường mặc dù đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả gói thầu” - BQLDA 7 cho biết .

Kiến nghị nhiều nhiệm vụ cấp bách
Để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, BQLDA Thăng Long kiến nghị tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng để thi công cầu vượt và cầu nút giao, đồng thời giải quyết việc cấp phép mỏ vật liệu đất đắp trong tháng 12-2021. Đối với nhà thầu cần chuẩn bị tốt nguồn tài chính cung cấp đến công trường; cử lãnh đạo thường trực tại hiện trường dự án để xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan.

Bên cạnh đó là duy trì và tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đảm bảo thủ tục hồ sơ nghiệm thu để thi công bước tiếp theo không phải chờ đợi. Đặc biệt phải xây dựng lại kế hoạch hành động để đến tháng 3-2022 phải bắt kịp và vượt tiến độ hợp đồng. Song song đó là xây dựng kế hoạch thi công trong dịp lễ, tết năm 2022.

BQLDA Thăng Long cho biết hiện nay các nhà thầu đang kiến nghị tính toán chỉ số riêng để áp dụng cho dự án. Việc này phù hợp với tình hình thực tế về biến động giá vật liệu, nhân công trong quá trình triển khai dự án.

Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Đinh Công Minh, Giám đốc BQLDA 7, cho biết dự án tuy còn chậm nhưng với phương pháp tổ chức như hiện nay thì thời gian tới sẽ bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo hợp đồng. Tuy nhiên, cần phải khắc phục một cách tổng thể có hệ thống từ tổ chức thi công và quản lý chất lượng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Minh cho rằng cần tiếp tục phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm 17 vị trí giao cắt điện cao thế (220 kV và 500 kV). Về nguồn vật liệu đất đắp thì tích cực phối hợp với địa phương hoàn tất thủ tục cấp phép với các mỏ đang làm thủ tục cũng như các mỏ đang được cấp phép theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60.

“Cần đẩy nhanh tiến độ thi công nền các đoạn đắp thấp để có công địa triển khai thi công các hạng mục. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đúc dầm, thi công kết cấu cầu để đẩy nhanh sản lượng thi công, giải ngân. Các nhà thầu đã có cam kết với BQLDA 7 phải nghiêm túc thực hiện, nếu không đảm bảo thì ban sẽ báo cáo bộ và căn cứ các điều khoản hợp đồng để xử lý” - ông Minh nói.
Xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng
BQLDA 7 kiến nghị phải xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng. Trong đó, giám đốc BQLDA 7 đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo nhà thầu thi công, kiểm điểm tình hình thực hiện, đánh giá nguyên nhân chậm trễ tiến độ. Yêu cầu các đơn vị ký cam kết về khối lượng thực hiện một số hạng mục chính, sản lượng thực hiện, giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 và cam kết hoàn thành dự án theo hợp đồng trong năm 2022.

Định kỳ hằng tuần, ban sẽ họp kiểm điểm và đánh giá tiến độ thực hiện. Đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ so với cam kết, BQLDA 7 đã có văn bản cảnh cáo, xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng. “Nếu các đơn vị tiếp tục chậm trễ, không quyết liệt triển khai thi công thì BQLDA 7 sẽ xử phạt theo quy định hợp đồng. Đồng thời báo cáo Bộ GTVT xem xét cắt chuyển khối lượng, giao cho thành viên khác trong liên doanh hoặc đơn vị khác có năng lực thực hiện” - BQLDA 7 nhấn mạnh.

(Nguồn: https://plo.vn/dua-2-du-an-cao-toc-bac-nam-ve-dich-dung-hen-post662700.html) 

Hàng loạt khu công nghiệp tỉ USD 'đổ bộ' về Nam Bình Thuận (19.11.2021)

Điểm đến của dòng vốn tỉ USD
Thu hút sự quan tâm nhất phải kể đến Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) có quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 18.840 tỉ đồng. Mục đích của dự án là hình thành và phát triển một vùng đô thị gắn kết hài hòa giữa công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, trong đó, hai địa phương La Gi và Hàm Tân sẽ được hưởng lợi rất lớn. Đặc biệt là thị xã La Gi, với lộ trình trở thành "thành phố thứ 2" của Bình Thuận, cùng việc đón nhận nhiều dự án tỷ đô đầu tư trên địa bàn, đang trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận.
Với mô hình KCN kiểu mẫu trên cả nước, sự xuất hiện của dự án Becamex VSIP Bình Thuận sẽ gia tăng thêm lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh
Bên cạnh Becamex VSIP Bình Thuận, năm 2022 Sonadezi cũng sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức tại thị xã La Gi và Hàm Tân có quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, do Công ty CP Sonadezi Bình Thuận đầu tư.

Một “siêu dự án” khác là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,31 tỉ USD. Đây được xem như dự án FDI có quy mô lớn nhất lịch sử Bình Thuận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam.

La Gi đón hàng loạt cơ hội để chuyển mình
Thị trường địa ốc La Gi sẽ bùng nổ mạnh mẽ nhờ những lợi thế kinh tế của khu vực và mặt bằng giá còn nhiều tiềm năng
TS Trần Nguyễn Minh Hải – Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, nhắc đến La Gi, giới đầu tư thường nói đến câu chuyện thị xã lên thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, làn sóng đầu tư của các “ông lớn” bất động sản công nghiệp mới là đòn bẩy mạnh nhất cho cả La Gi. Khi các dự án này hoàn thành, sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra hàng chục ngàn việc làm.

Đặc biệt, bất động sản công nghiệp phát triển ở khu vực Nam Bình Thuận càng khiến thị trường địa ốc La Gi phát triển mạnh chưa từng có. Trong đó, các phức hợp, khu dân cư, bất động sản ven biển phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm logistic, kho bãi phục vụ cho công nghiệp… sẽ nở rộ để đáp ứng cho sự tăng trưởng kinh tế của La Gi.

Ngoài lực đẩy khổng lồ tạo bởi các “ông lớn” bất động sản công nghiệp, La Gi còn được hưởng lợi khi hàng loạt các công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai, trọng tâm là công trình cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Khi cao tốc đi qua, La Gi là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí cửa ngõ, nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.

Để kết nối đồng bộ và thông suốt hơn, Bình Thuận đã cho triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đến Hàm Tân rồi thẳng đến La Gi, rút ngắn thời gian di chuyển TP.HCM – La Gi chỉ còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn 1 giờ.

Nằm trong định hướng chung của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.

(Nguồn: https://plo.vn/hang-loat-khu-cong-nghiep-ti-usd-do-bo-ve-nam-binh-thuan-post657517.html)

Triển khai khu công nghiệp lớn nhất Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân (15.11.2021)

Khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân có quy mô hàng tỷ USD, nếu được triển khai dự án này sẽ tạo lực đẩy giúp thị trường bất động sản tại đây trở nên cực kỳ sôi động.

La Gi - Trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bình Thuận
Cuối năm 2020, UBND Bình Thuận công bố chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do tập đoàn Sembcorp Development (Singapore). Dự án có quy mô diện tích lên đến 4.984 ha.

Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp với tổng quy mô 3.000 ha, gồm khu công nghiệp Phan Thiết 100 ha; khu công nghiệp Tuy Phong 150 ha; khu công nghiệp Hàm Kiệm gần 600 ha, khu công nghiệp sông Bình 300 ha, khu công nghiệp Tân Đức 150 ha, khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 hơn 1.000 ha và Sơn Mỹ 2 gần 600 ha. Tổng 9 khu công nghiệp hiện hữu tại Bình Thuận chỉ bằng một nửa quy mô Becamex VSIP Bình Thuận.

Kế hoạch đầu tư khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm các doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn đầu tư hàng tỷ USD. Hai địa phương La Gi và Hàm Tân cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ dự án này. Đặc biệt là thị xã La Gi, với việc đón nhận nhiều dự án tỷ đô đầu tư trên địa bàn, hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận.
Bất động sản ven biển La Gi dự báo sôi động trong thời gian tới
Đặc biệt, giới đầu tư dự báo, thị trường địa ốc La Gi sẽ phát triển mạnh chưa từng có. Trong đó các khu phức hợp, khu dân cư, bất động sản ven biển phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm logistic, kho bãi phục vụ cho công nghiệp... được cho là sẽ thu hút khách hàng có nhu cầu an cư hoặc đầu tư.

La Gi hội tụ thiên thời – địa lợi – nhân hòa
Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải, Đại học Ngân hàng TP.HCM, các doanh nghiệp lớn lựa chọn La Gi và Hàm Tân để triển khai khu công nghiệp lớn tại Bình Thuận chứng tỏ tiềm năng to lớn của khu vực này. La Gi đang là địa phương có nhiều lợi thế tại Bình Thuận để phát triển thị trường bất động sản khi hội tụ đủ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Hàng loạt các đòn bẩy về hạ tầng, nâng cấp hành chính, thu hút đầu tư đều diễn ra đồng loạt trước thời điểm La Gi lên thành phố.
Những khu phức hợp đô thị thương mại biển sẽ xuất hiện tại La Gi.
La Gi đang thu hút mạnh vốn đầu tư với hàng loạt các dự án tỷ USD từ nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như AES (Virginia, Mỹ), liên doanh Becamex - VSIP, Danh Khôi,... Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Thuận, gần 40 dự án sẽ được triển khai tại La Gi trong giai đoạn 2021-2022, trước thời điểm thị xã được nâng cấp lên thành phố theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2025.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng giao thông có lợi cho sự phát triển của La Gi đang đồng loạt được triển khai. Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được coi là công trình trọng điểm. Khi cao tốc này đi qua các khu vực của Bình Thuận, La Gi là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí cửa ngõ, nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.

Để tăng thêm lực đẩy cho khu vực phía Nam, Bình Thuận cũng đang gấp rút triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến Hàm Tân rồi thẳng đến La Gi. Nhờ những công trình này, thời gian di chuyển TP.HCM - La Gi chỉ còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn 1 giờ.

Mới đây Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu.

(Nguồn: https://plo.vn/trien-khai-khu-cong-nghiep-lon-nhat-binh-thuan-tai-la-gi-va-ham-tan-post656876.html)

Thị xã La Gi chuẩn bị lên thành phố trong giai đoạn 2021-2025

Vào giữa tháng 9/2021 mới đây, thông tin từ báo Bình Thuận cho biết, ở thời điểm này, tỉnh có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như: sân bay, đường ven biển, cao tốc... Những công trình này đều kết nối đến La Gi. Đây sẽ là “bệ phóng” đưa đô thị này lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Thị xã La Gi đang tăng tốc hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm lên thành phố trước năm 2025.
Cụ thể, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi đã đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đồng ý với đề xuất của Thị ủy La Gi cũng như các kiến nghị nâng cấp, mở rộng những tuyến đường quan trọng. Đồng thời khẳng định La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho La Gi trước thời điểm lên thành phố, Bình Thuận đang gấp rút đầu tư các cơ sở hạ tầng trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể, tỉnh sẽ nhanh chóng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 và đây là một phần nằm trong kế hoạch xây dựng hai trục đường nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống quốc lộ 1A, từ đó đi tiếp qua khu vực huyện Hàm Tân thẳng đến La Gi.

Bình Thuận cũng lập kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.
Bình Thuận đang triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc đến Hàm Tân - La Gi, trong đó sẽ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55.
Tất cả công trình trên đều nằm trong quy hoạch tổng thể và chi tiết của Bình Thuận và thị xã La Gi. Hiện tại, La Gi đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đến năm 2035 tại Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 25-4-2019 và Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 24-2-2020.

Theo đó, ông Phạm Trọng Nhân – Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết, La Gi sẽ hình thành khu đô thị phức hợp hành chính với quy mô 289,29 ha; khu đô thị hỗn hợp dịch vụ rộng 129,42 ha; phát triển, cải tạo khu dân cư cảng cá La Gi 342,59 ha; phát triển khu đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch 72,4 ha;…

Vào năm 2018, thị xã La Gi đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III và nằm trong lộ trình được nâng cấp lên thành phố thứ hai của Bình Thuận sau TP.Phan Thiết. Theo quy hoạch vùng, La Gi sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh với định hướng phát triển đô thị du lịch – dịch vụ – thương mại. Đây cũng là đô thị cửa ngõ của Bình Thuận kết nối trực tiếp với Vũng Tàu và TP.HCM.

Nằm ở trung tâm trục đường ven biển dài và nhiều tiềm năng nhất Việt Nam, La Gi là trọng tâm của tam giác du lịch với 3 đỉnh Phan Thiết - TP.HCM - Vũng Tàu. Khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hoàn thiện, từ La Gi chỉ mất tầm 0,5 giờ di chuyển về Phan Thiết, 45 phút di chuyển về Vũng Tàu và 1,5 giờ di chuyển về TP.HCM.

Ngoài vị trí chiến lược, La Gi có bờ biển dài 28 km, biển đẹp nguyên sơ, cát trắng mịn, nước xanh, khí hậu trong lành, mát mẻ, con người thân thiện. Nơi đây cũng sở hữu nhiều danh thắng rất nổi tiếng như dinh Thầy Thím, biển Cam Bình, hòn Bà, bãi Đồi Dương…

(Nguồn: https://plo.vn/thi-xa-la-gi-chuan-bi-len-thanh-pho-trong-giai-doan-2021-2025-post648778.html)

CaoTocDauGiayPhanThiet