Trình hồ sơ thiết kế cơ bản cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong tháng 9/2022

Hồ sơ thiết kế cơ bản các dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến được trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận trong tháng 9/2022.

Thông tin tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Bộ GTVT cho biết, hiện tại, cả 3 dự án thành phần đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường (khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn).
Theo tiến độ yêu cầu, các dự án thành phần dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được phê duyệt trước ngày 20/11/2022 và khởi công trước ngày 30/6/2023
Trong đó, dự án thành phần 1 đang hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Thỏa thuận hướng tuyến với Bộ Quốc phòng, dự kiến trình thẩm định hồ sơ thiết kế các yếu tố cơ bản đợt 1 trong tháng 9/2022.

Đối với dự án thành phần 2, báo cáo ĐTM đang được tổ chức tham vấn cộng đồng. Công tác thỏa thuận hướng tuyến với Bộ Quốc phòng cũng đang được thực hiện.

Đáng chú ý, hiện, dự án thành phần này đã trình hồ sơ thiết kế cơ bản được khoảng 9,7 km, đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, thẩm định, dự kiến trình Bộ GTVT chấp thuận vào đầu tháng 9/2022 và trình đợt tiếp theo trước ngày 9/10/2022.

Một số công tác khác đang được triển khai đồng thời như: thỏa thuận với nhà đầu tư các dự án BOT có liên quan, dự kiến hoàn thành trước ngày 20/10/2022; Gửi địa phương xem xét hồ sơ mỏ vật liệu, bãi đổ thải, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.

“Tại dự án thành phần 3, báo cáo ĐTM đã được đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên - Môi trường để tham vấn cộng đồng; đang triển khai công tác giám sát đầu tư cộng đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.

Hồ sơ thiết kế cơ bản đã trình khoảng 15,8km, đang rà soát, thẩm định, dự kiến trình Bộ GTVT chấp thuận trong tháng 9/2022”, Bộ GTVT thông tin.

Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế đẩy nhanh công tác khảo sát thiết kế đảm bảo các mốc tiến độ bàn giao hồ sơ và cắm cọc GPMB đợt 1 ngày 20/9/2022; Đợt 2 ngày 25/10/2022 và đợt 3 ngày 20/11/2022.

“Các địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT cung cấp thông tin, vị trí dự kiến xây dựng trạm dừng nghỉ để nghiên cứu đưa vào dự án, tổ chức đền bù, GPMB để có quỹ đất và tổ chức đầu tư; Quản lý chặt chẽ giá đất, xác định hiện trạng khu vực tuyến để quản lý, đảm bảo chi phí GPMB không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án”, Bộ GTVT đề nghị.

Ban QLDA 85 được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện thủ tục xử lý chuyển tiếp kết quả khảo sát, thiết kế đã thực hiện trong quá trình lập dự án theo hình thức PPP, làm cơ sở tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km được đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6-8 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4-6 làn xe ô tô cao tốc theo từng đoạn tuyến. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) với chiều dài khoảng 16 km do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.

 (Theo Báo Giao Thông)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực - Tạo nguồn lực mới từ đất đai (17.09.2022)

 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thu hút sự quan tâm của các giới, chuyên gia trong nhiều ngành, lĩnh vực, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Yêu cầu đặt ra, cần một cơ chế mở để tiếp nhận được nhiều ý kiến, vừa đảm bảo quan điểm, chủ trương, đường lối được nêu rõ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Phát huy nguồn lực đấi đai để khai thác giá trị sử dụng đất. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa.
Hoàn thiện mối quan hệ “mẹ con, anh em nhà luật”
Thực tiễn cho thấy đã nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thị trường bất động sản và thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai; quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đất công và đất của người dân bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ rõ: chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước; do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất; đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm.

Luật Đất đai liên quan chặt chẽ như “quan hệ mẹ con, anh em nhà luật”. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải xử lý hài hòa, hoàn thiện mối quan hệ với Hiến pháp (nguyên tắc hiến định), Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Cư trú. Nguyên tắc hiến định được đảm bảo, nhưng dự thảo luật cần cụ thể hóa “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”. Theo đó, khái niệm “đất công” còn mơ hồ, bị lạm dụng. Tình trạng đất công rơi vào tay tư nhân, những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất công có nguyên nhân từ “lỗ hổng” này.

Rà soát sơ bộ dự thảo nhận thấy một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, dễ tạo “khoảng trống” để phát sinh nhũng nhiễu, lạm quyền. Luật Đất đai sửa đổi đang “đá”, “choải” với nhiều văn bản luật hiện hành. Nhiều điều trong dự thảo vẫn liên hệ đến hộ khẩu thường trú đã bị bãi bỏ theo Luật Cư trú như Điều 63 về giao đất, cho thuê đất; Điều 115 về Công nhận quyền sử dụng đất; Điều 145 về Hạn mức giao đất.

Dự thảo quy định “người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có giấy chứng nhận” đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và khoản 2, Điều 118 Luật Nhà ở. Cụ thể, các văn bản luật này quy định: chỉ trường hợp chủ đầu tư kinh doanh bất động sản kinh doanh bất động sản theo hình thức bán có sẵn thì mới cần phải có Giấy chứng nhận, các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là các trường hợp không yêu cầu phải có giấy chứng nhận.

Có thể tìm thấy nhiều nội dung khác trong dự luật sửa đổi liên quan cho thuê đất trả tiền đất một lần (Điều 198); điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu vực đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê (Điều 216)... đang mâu thuẫn với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cần được hoàn thiện.

Ngăn hành vi sai phạm, tham nhũng, lãng phí từ đất
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, đất đai không chỉ “đứng yên” với ý nghĩa vật lý của một loại tài nguyên tự nhiên, một tài sản hữu hình với “phần xác” của nó, mà còn là thứ tài sản có “phần hồn” với những giá trị kinh tế - tài chính đặc biệt.

Vai trò đặc biệt quan trọng của đất đai không những thể hiện với tư cách là nguồn lực về hiện vật, mà còn là nguồn lực tài chính to lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của từng chủ thể sử dụng đất và là nguồn thu ngân sách quan trọng. Khi đất đai được đưa vào vận hành trong cơ chế thị trường, thì giá trị của nó sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, trở thành nguồn lực đầu tư quan trọng, nguồn lực phát triển to lớn.

Nguồn lực từ đất đai là nguồn lực được hình thành từ đất đai thông qua quan hệ kinh tế, dân sự giữa các chủ thể cần một khuôn khổ pháp lý ổn định và đủ sức tạo hành lang thông thoáng. Nguồn lực này luôn gắn với quan hệ sở hữu đất đai, quyền của chủ sử dụng đất và chỉ có thể được hình thành, phát triển trong nền kinh tế thị trường, khi mà các quan hệ đất đai được thị trường hóa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một thị trường “mua bán quyền sử dụng đất” thật sự, nó chỉ được trao đổi, mua bán với “cái vỏ” của thị trường bất động sản khi nhà cửa, công trình xây dựng khác trên đất được mua bán hoặc ít nhất là tài sản trên đất được hình thành trong tương lai (mua bán lô đất nền, căn hộ chưa được xây dựng). Đất đai, quyền sử dụng đất trở thành nguồn lực tài chính quan trọng khi nó được mua bán và trao đổi trên thị trường.

Mặc dù chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng cho đến nay vẫn đang tồn tại chế độ 2 giá đất chênh lệch nhau là giá do Nhà nước định giá và giá thị trường. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện đất đai trong thu hồi đất, đền bù giải tỏa.

Việc lập các thủ tục pháp lý như công chứng, trước bạ sang tên, đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các giao dịch “ngầm” như hạ giá nhà đất mua bán để né thuế, gây thất thu ngân sách hay “găm” thủ tục chuyển nhượng, trước bạ sang tên để tiếp tục mua bán, sang tay nhằm trốn thuế. Điểm mới của dự luật là bỏ quy định về khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, nhưng cần làm rõ về cơ chế vận hành, chế độ thực thi “nguyên tắc thị trường” cho giá đất làm cơ sở áp dụng trong nhiều mối quan hệ đất đai đang diễn ra, tránh tùy tiện.

Vì vậy, cùng với những vấn đề pháp lý, đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai có ý nghĩa rất quan trọng trong tạo vốn đầu tư phát triển, góp phần ngăn chặn hành vi sai phạm, tham nhũng, lãng phí từ đất thông qua việc hoàn thiện Luật Đất đai lần này.
(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí 670 tỷ đồng xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (09.09.2022)

Năm 2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí số vốn 670 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ngày 9/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết số 28 ngày 15/7 bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và bố trí vốn 2022 với số vốn 670 tỷ đồng.
Một phần sơ đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nằm trong hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam có điểm đầu thuộc TP. Biên Hòa, điểm cuối tại ví trí cắt với Quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa, chiều dài 54km, quy mô 6-8 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Dự án đã được các địa phương cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (phù hợp quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 của thị xã Phú Mỹ, TP.Bà Rịa đã được phê duyệt vào tháng 3 năm nay).

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết ngày 29/8, Sở GTVT đã mời các sở, ngành địa phương liên quan họp để cho ý kiến và thống nhất về tim tuyến, đường gom dân sinh, hầm chui và các nút giao trên tuyến. Trên cơ sở thống nhất ý kiến tại cuộc hợp, đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ thỏa thuận gửi các sở, ngành, địa phương liên quan để thống nhất, trình UBND tỉnh chấp thuận trước ngày 15/9 đối với toàn bộ các thông số về tim tuyến, đường gom dân sinh, hầm chui và các nút giao trên tuyến.

Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản đối với 15,8km đoạn tuyến đơn giản (không bao gồm 2km liên quan đến nút giao với đường Hội Bài - Phước Tân và 1,7km liên quan nút giao Quốc lộ 56, trình Bộ GTVT vào ngày 31/8). Đoạn tuyến còn lại liên quan đến hai nút giao sẽ trình Bộ GTVT trước ngày 20/9, sau khi có ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương.

Theo kế hoạch trong tháng 9 sẽ cũng Bộ GTVT hoàn thiện công tác thẩm định thiết kế cơ bản và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cũng theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vừa qua TP.Bà Rịa, UBND thị xã Phú Mỹ đã ban hành kế hoạch về thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án và đã tổ chức họp dân ở các xã, địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua để công bố kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, hiện còn khó khăn vướng mắc đó là chưa hoàn thiện được bản đồ địa chính thu hồi đất theo quy định của Thông tư số 30 ngày 2/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Lý do chưa được phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng chính thức.

Từ đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thành công tác thẩm định thiết kế cơ bản, thiết kế ranh giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến nêu trên để làm cơ sở thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chính thức.

(Nguồn Báo Giao Thông)

Dừng thực hiện cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo phương thức PPP (08.09.2022)

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 về việc dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021.
Dừng thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức đối tác công tư
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình.

Đồng thời, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu tận dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

Trước đó, Bộ GTVT đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ dự án đầu tư theo xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo hình thức đầu tư công.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP tại Quyết định 1602 ngày 23/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của Bộ GTVT, dự án cần chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để cơ bản hoàn thành năm 2025, đặc biệt là đoạn đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong khi việc triển khai theo phương thức đối tác công tư đến năm 2026 mới cơ bản hoàn thành.

Đồng thời, thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy còn một số bất cập như cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án, việc huy động vốn tín dụng và nhà đầu tư nước ngoài khó khả thi do đều yêu cầu một số bảo lãnh vượt quá quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, để phù hợp với quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư tại Quyết định 1602/2021 ngày 23/9/2021.
Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Công trình được chia làm ba dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 và 2 dài 34,2 km, thực hiện tại Đồng Nai, với tổng kinh phí 12.647 tỷ đồng. Đoạn còn lại thực hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng.

Dự án dự kiến khởi công năm 2023, thời gian thi công và hoàn thành trong khoảng 2 năm.

(Nguồn Báo Giao Thông) 

Bà Rịa-Vũng Tàu có GRDP cao ngang Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người luôn đạt top 10 cả nước

Nhờ có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của địa phương này luôn lớn nhất cả nước và tương tương với Thái Lan.

Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, có GRDP bình quân đạt khoảng 7.141 USD, tương đương với GRDP bình quân của Thái Lan và GRDP bình quân đầu người đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có GRDP lớn nhất cả nước, cao ngang Thái Lan
Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện là tỉnh có GRDP bình quân lớn nhất cả nước trong nhiều năm qua. Theo Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).

Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng và đạt khoảng 7.141 USD/người (không tính dầu khí) tương đương 163,4 triệu đồng. Xét riêng GRDP bình quân không tính dầu khí, GRDP bình quân của tỉnh hiện đang tương tương với Thái Lan (khoảng 7.200 USD, theo dữ liệu của IMF).

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển Đông Nam Bộ, nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam. Tỉnh sở hữu nhiều loại khoáng sản, nhiều nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
GRDP bình quân đầu người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2000 – 2021 (không tính dầu khí). Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Trên thực tế, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên biển. Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có cảng biển nước sâu mà còn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước.

Cụ thể, tỉnh có cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải với diện tích 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Hơn nữa, cảng quốc tế Cái Mép được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu đạt 400 triệu m3, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.

Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam. Sau nhiều năm phát triển, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng.

Tận dụng lợi thế tài nguyên biển để phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Thu nhập bình quân của tỉnh luôn lọt top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước gần 20 năm qua.

Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, đạt 0,475 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng lên đạt 4,419 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. Như vậy sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng hơn 9 lần.

(Nguồn 24h.com.vn)

Tăng tốc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (23.08.2022)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bàn giao 100% mặt bằng thi công công trình trước 30/4/2023, khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trước 30/4/2023; nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trước 30/12/2025 và quyết toán công trình trước 30/3/2026.

Giao mặt bằng sạch trước 30/4/2023
Ngày 23/8, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lập và trình báo cáo đánh giá tác động môi trường trước 20/9; lập phê duyệt dự án trước 20/11; bàn giao 100% mặt bằng thi công công trình trước 30/4/2023.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trước 30/4/2023. Nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trước 30/12/2025. Quyết toán công trình trước 30/3/2026.

Mục đích của việc lập kế hoạch để nhằm tổ chức đầu tư xây dựng dự án đúng quy định, đồng bộ giữa các địa phương, đảm bảo tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư khi đưa dự án vào khai thác sử dụng.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trước 30/4/2023.
Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Giao thông Vận tải cùng các sở ban ngành, thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, Ban Quản lý dự án Giao thông Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải; các đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật ngành điện, cấp thoát nước, bưu điện, viễn thông, cây xanh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp thực hiện những công tác liên quan theo kế hoạch cụ thể kèm theo.

Trong đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; Giao Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Quản lý dự án (QLDA) để đảm bảo nhân lực thực hiện dự án…

Ban QLDA Giao thông Khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải chủ động phối hợp với các sở ngành địa phương thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định; xác định ranh dự án theo từng đợt, trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định trước khi UBND tỉnh phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Ban QLDA xác định khu vực thu hồi đất để thực hiện dự án theo từng đợt, trình Sở Tài nguyên Môi trường kiểm duyệt trước khi bàn giao địa phương, đồng thời chủ động phối hợp với các sở ban ngành, đơn vị di dời hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đôn đốc các địa phương bàn giao mặt bằng, khởi công trong tháng 4/2023...

Về công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với tỉnh Đồng Nai xử lý chênh lệch về giá đất (nếu có) giữa 2 địa bàn giáp ranh, đồng thời chủ trì, phối hợp cùng TP Bà Rịa và Thị xã Phú Mỹ, các sở ngành, đơn vị rà soát các thủ tục có liên quan để thu hồi đất; theo dõi, đôn đốc các địa phương trong công tác chuẩn bị quỹ đất, nhà tái định cư cho dự án; thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thẩm định giá đất bồi thường trình Hội đồng giá đất của tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt...

Chuẩn bị giải phóng mặt bằng
Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP Bà Rịa, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua TP Bà Rịa dài khoảng 3,8 km, diện tích dự kiến thu hồi 32,4 ha với khoảng 580 hộ bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí dự kiến bồi thường, hỗ trợ là hơn 384 tỷ đồng, cùng với việc bố trí 400 lô đất ở tái định cư.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua TP.Bà Rịa dài khoảng 3,8km, diện tích dự kiến thu hồi 32,4ha với khoảng 580 hộ có đất bị thu hồi.
Hiện tại, UBND TP Bà Rịa đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Sau khi có bản đồ thu hồi đất, địa phương sẽ khẩn trương triển khai việc kiểm kê, kiểm đếm, khảo sát giá đất với quyết tâm hoàn thành trước ngày 16/10. Việc ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường sẽ hoàn thành trước ngày 10/1/2023; chi tiền bàn giao mặt bằng từ ngày 15/1/2023 đến trước Tết Nguyên Đán 2023. TP Bà Rịa quyết tâm bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4/2023 để khởi công dự án.

“Bà Rịa đang đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, thành phố đã phát tờ khai làm cơ sở cho công tác kiểm đếm đến từng hộ dân có đất thu hồi. Công tác đền bù sẽ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công bằng, việc bố trí tái định cư cũng sẽ được thực hiện linh động để tạo thuận lợi cho người dân”, ông Dũng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, thị xã đã thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn với chiều dài khoảng 15,6 km, diện tích đất thu hồi khoảng 214 ha và dự kiến sẽ thu hồi đất của hơn 1.100 hộ dân.

Hiện nay, thị xã Phú Mỹ đã dán các thông báo vị trí dự án sẽ đi qua, vận động, lấy ý kiến người dân và bố trí được 375 nền đất tái định cư để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Thị xã Phú Mỹ cũng giao công an, UBND các phường, xã giám sát hiện trạng đất đai để tránh tình trạng xây dựng các công trình không phép và trồng cây để trục lợi chính sách đền bù hỗ trợ.

(Nguồn: https://tienphong.vn/tang-toc-giai-phong-mat-bang-du-an-cao-toc-bien-hoa---vung-tau-post1463869.tpo)

Du lịch Phan Thiết 2022

“Phan Thiết chỗ nào đẹp nhất, mùa nào đẹp nhất?”, “Di chuyển tới đây bằng loại phương tiện gì?”, “Ăn uống gì, nghỉ ngơi, vui chơi ở những đâu?”… Bạn nên có sẵn câu trả lời cho những thắc mắc trên, trước khi quyết định “xách ba lô lên và đi” du lịch Phan Thiết!
Bản đồ du lịch Mũi Né Phan Thiết
Tổng quan du lịch Phan Thiết
Phan Thiết là một thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm trên quốc lộ 1A cách TP Hồ Chí Minh 183km về hướng Đông Bắc. Từ lâu Phan Thiết đã là một địa điểm du lịch biển nổi tiếng ở Việt Nam với những bờ cát trắng trải dài, biển xanh và những hàng dừa cao vút hay còn gọi Phan Thiết là "Thủ phủ Resort"

Không chỉ sở hữu những khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, vùng đất này còn là một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn với những cộng đồng dân cư đa dạng như: người Hoa, người Chăm… Du lịch Phan Thiết, bạn không chỉ được tham quan, ngắm cảnh mà còn được thưởng thức rất nhiều những món ăn ngon được chế biến từ hải sản tươi sống.

Bạn có thể du lịch Phan Thiết vào tất cả các tháng trong năm, bởi khí hậu ở Phan Thiết nhiều gió, nhiều nắng quanh năm và rất ít khi có bão.
Di chuyển đến Phan Thiết
Trong thời gian dài trước nay, di chuyển tới Phan Thiết chỉ có đi đường bộ QL1A hoặc tàu hỏa. Trong thời gian tới đây, bắt đầu từ 2023, việc di chuyển tới Phan Thiết sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đường bộ Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, lúc đó đi từ TPHCM tới Phan Thiết chỉ mất tầm 2h chạy xe trên cao tốc. Đặc biệt, sân bay Mũi Né Phan Thiết cũng đã khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2024 với các chuyến bay dự kiến khai thác sớm nhất là: tuyến bay Hà Nội - Phan Thiết, tuyến bay TP Hồ Chí Minh - Phan Thiếttuyến bay Vân Đồn - Phan Thiết. Sân Bay Mũi Né cách trung tâm TP Phan Thiết chỉ 7km.
Phối cảnh sân bay Mũi Né Phan Thiết
Khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh:
Các hãng xe chất lượng cao đi Phan Thiết: Kumho, Phương Trang, Hạnh Café

Thời gian xe chạy: từ 5h00, xuất phát tại xe Miền Đông hoặc đường Đề Thám, quận 1. Giá vé dao động khoảng từ 140.000 – 160.000 đồng tùy hãng.

Tàu hỏa đến Phan Thiết:

- Tàu bình thường giá từ 110.000 đồng/vé trở lên, ký hiệu SPT (đi buổi sáng) hoặc PT4 (đi buổi tối cuối tuần). Mua vé tại ga Sài Gòn.

- Tàu chất lượng cao Golden Train, giá từ 160.000 đồng/vé trở lên, khởi hành vào buổi sáng.
Khởi hành từ Hà Nội:
- Hiện tại Máy bay là phương tiện thuận lợi nhất để đến Phan Thiết cho du khách từ Hà Nội: Khởi hành từ Hà Nội vào TP. HCM, sau đó đến Phan Thiết bằng xe khách hoặc tàu hỏa. Một cách khác là bạn bay từ Hà Nội đến Nha Trang, sau đó tiếp tục đi Phan Thiết.

Những địa danh không thể bỏ qua khi du lịch Phan Thiết

Khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết:
Trường Dục Thanh
Đây là ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Ngôi trường Dục Thanh còn ghi dấu quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ.
Trường dục thanh
Dinh Vạn Thủy Tú
Trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết có một ngôi đền thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông (cá voi). Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe…
Dinh Vạn Thủy Tú
Lầu Ông Hoàng
Trên đường du lịch Mũi Né chắc chắn bạn sẽ tò mò muốn khám phá Lầu Ông Hoàng vì nó gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử. Lầu Ông Hoàng từng là nơi hẹn hò giữa Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm – người tình của nhà thơ. Nhà thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi có phong cảnh hữu tình này.
Lầu Ông Hoàng
Tháp Chàm Poshanư
Tháp Poshanư nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hải, cách trung tâm Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc. Tháp Chàm Poshanư là một nhóm di tích còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa. Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chăm Pa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí.
Tháp Poshanư
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận được thành lập vào ngày 19/5/1986, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.
Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận
Khu vực xung quanh Mũi Né
Bãi Rạng
Bãi Rạng hay biển Rạng là bãi tắm đẹp nhất của TP. Phan Thiết. Bãi Rạng cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía Bắc, nằm dưới những rặng dừa dày đặc trông giống khu rừng dừa rất đẹp. Mùa hè về, bãi Rạng chiều nào cũng tấp nập khách đến tắm biển và thưởng thức món cá chuồn xanh nướng ngọt lịm.
Bãi Rạng
Hòn Rơm
Hòn Rơm là tên một núi nhỏ vẫn còn hoang sơ nằm tại ấp Long Sơn, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, bạn có thể ngồi ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại. Ở Hòn Rơm, cụm bãi tắm có rất nhiều khu như: Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2, Thùy Trang…
Hòn Rơm
Hòn Ghềnh
Cách Mũi Né chưa đầy 1 km, Hòn Ghềnh hay Hòn Lao còn khá nguyên sơ. Để đến được Hòn Ghềnh, bạn có thể đi theo dịch vụ đưa đón khách từ khách sạn hoặc thuê ghe của ngư dân với giá khoảng 200.000 đồng/thuyền (10 người), bao gồm cả lượt đi và về. Sau chừng 10 phút lênh đênh trên biển bạn sẽ được đặt chân lên đảo. Ấn tượng đầu tiên là nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những tán san hô dưới đáy rất đẹp, những ghềnh đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau. Ngắm cảnh Hòn Lao, đi vào buổi chiều là đẹp nhất, bởi bạn sẽ thấy được ráng chiều và hoàng hôn phủ dần trên biển. Sáng sớm là thời gian thích hợp cho những tay câu nghiệp dư.
Hòn Ghềnh
Đồi Cát Bay ở Mũi Né
Ở gần khu vực Hòn Rơm, một trong những thắng cảnh từng làm mê mẩn bước chân các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia… là đồi cát Mũi Né (thuộc khu phố 5, phường Mũi Né). Ngoài hình dáng đẹp, màu sắc của cát cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách (có đến 18 màu sắc khác nhau). Nếu đi bằng xe máy, du khách gửi xe tại các quán nước đối diện khu vực đồi Cát (nhớ khóa xe và nhắc chủ quán lưu ý giùm). Lên đồi cát, bạn có thể thuê ván để chơi trượt cát, chỉ khoảng 5.000VND/tấm. Chơi xong có thể thưởng thức dừa ba nhát, bánh bột lọc Phan Thiết…
Đồi cát bay ở Mũi Né
Bàu Trắng – Bàu Sen
Bàu Trắng – Bàu Sen: Cách Hòn Rơm 18 km. Đây là hai hồ nước ngọt thiên nhiên nằm giữa những đồi cát trắng mênh mông. Bàu Trắng còn có tên gọi khác là Bàu Ông, đến nơi đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa sen nở rộ xen lẫn giữa đồi cát trắng vào mùa hè. Bàu Sen có tên gọi khác là Bàu Bà, nơi này là biển hồ rộng mênh mông, mặt nước xanh thẳm được bao bọc bởi những động cát đẹp thuần khiết với màu trắng tinh anh, mịn màng.
Bàu Trắng-Bàu Sen
Suối Tiên
Suối Tiên là địa danh được khách du lịch Mũi Né ưu ái đặt tên là “Bồng lai tiên cảnh”. Suối Tiên là một khe nước nhỏ nằm bên cạnh Hòn Rơm, đây là suối đi bộ với thung lũng cát rất đẹp. Bên cạnh suối là những đồi nhũ đá tự nhiên có màu đỏ và trắng. Do sự bào mòn của thời gian nên tạo ra những nhũ đá có hình thù kỳ lạ tự nhiên.
Suối Tiên Mũi Né
Làng chài Mũi Né
Làng chài Mũi Né nằm khoảng 3 km về phía bắc thị trấn Mũi Né. Ngay tại lối vào làng bạn đã có thể chứng kiến cảnh hàng trăm tàu thuyền đánh cá đầy màu sắc sặc sỡ neo đậu trên mặt nước. Cách cảng không xa là một khu chợ nhỏ đầy màu sắc với vẻ đẹp yên bình của những hàng dừa bao quanh. Đi bộ dọc theo bãi biển phủ đầy vỏ sò biển trong quá trình đánh bắt, đặc biệt là vùng bến tàu và phía nam thị trấn, bạn sẽ thấy cách các ngư dân phân loại đánh bắt như thế nào.
Làng Chài Mũi Né
Những địa danh du lịch hấp dẫn khác
Đảo Hòn Bà
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển Lagi, huyện Hàm Tân gần 2 km về hướng Đông, cách Phan Thiết khoảng 70 km về hướng Đông Nam. Hòn Bà có hình dáng con Rùa khổng lồ đang ngẩng đầu vươn mình trên sóng biển. Trên đảo có đền thờ nữ Thần Thiên Ya Ana – vị thần thiêng liêng của Vương Quốc Chăm Pa cổ.
Đảo Hòn Bà 
Hải đăng Kê Gà
Từ TP. Phan Thiết, bạn có thể đi xe bus tuyến số 6 (thời gian hoạt động: 5h30 – 18h00), chạy 30 km thì đến hải đăng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nếu tự đi xe máy, bạn chạy theo quốc lộ 1 hướng đi Phan Thiết từ Sài Gòn, đến gần trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) sẽ gặp một ngã ba nhỏ. Rẽ phải theo hướng này, đi thẳng sẽ tới khu vực suối Nhum, bạn quẹo phải đi về mũi Kê Gà. Ngọn hải đăng Kê Gà hùng vĩ đứng giữa những bãi biển hoang sơ, nước trong vắt trên đảo Kê Gà. Để ra thăm hải đăng Kê Gà, các bạn có thể liên hệ với resort để thuê tàu hoặc thuê thuyền thúng hoặc tàu của dân địa phương. Thông thường thuyền thúng, tàu của người dân địa phương không trang bị áo phao. Bạn có thể mang theo hoặc liên hệ với resort để thuê.
Hải đăng Kê Gà
Chùa núi Tà Cú
Khu du lịch Núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP. Phan Thiết 30km về phía Nam. Nếu ưa mạo hiểm và có sức khỏe tốt, bạn có thể chinh phục đỉnh núi sau hơn 1000 bậc thang. Cách thứ 2 nhanh hơn, bạn có thể đi cáp treo để lên đỉnh núi sau 15 phút, giá 90.000VND – 2 chiều. Trên đỉnh núi có 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và chùa Long Đoàn, nổi tiếng nhất là bức tượng Đức Thích Ca nằm dài 49m. Đây là bức tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á. Kế đó, một số du khách tiếp tục hành trình khám phá hang núi với huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây – hang Tổ.
Khu du lịch Núi Tà Cú
Biển và bãi đá Cổ Thạch
Trải dài trên một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, là bãi đá 7 màu nằm trong khu du lịch Cổ Thạch. Đá có nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Bãi đá này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Giữa trùng dương điệp điệp và vùng cát trắng mênh mông, sự xuất hiện của bãi đá như điểm hồng tâm đã kéo chân ngày càng nhiều du khách tìm đến thưởng lãm. Bãi đá Cổ Thạch là một địa điểm tham quan thú vị khi đi du lịch Phan Thiết hay du lịch Bình Thuận.
Chùa Hang
Chùa Hang tên chữ là Cổ Thạch Tự, xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX, toạ lạc trong hang động trên đồi núi Cổ Thạch ở độ cao trên 64m, thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Chùa được xây dựng trong hang đá lớn do thiền sư Bảo Tạng lập vào khoảng giữa thế kỷ 19. Du khách có thể kết hợp tham quan ngôi chùa cổ kính này cùng với bãi đá 7 màu ở trên.
Chùa Hang
Gành Son
Đến Cổ Thạch, rẽ phải qua khỏi làng cá Bình Thạnh men theo biển khoảng 5km, bạn hỏi thăm đường vào Ghềnh Son, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Vào buổi sáng tinh sương hay những buổi chiều êm ả, biển lặng, từ trên gành, có thể nhìn thấy toàn cảnh sinh hoạt ấm cúng, nhộn nhịp của làng chài. Màu đỏ của đá, màu xanh của biển như hoà lẫn vào nhau tạo nên một sắc thái hài hoà vừa gần, vừa xa, vừa hư lại vừa thực… Gành Son quả là một tặng vật của thiên tạo chưa được nhiều người biết đến.
Gành Son
Cù Lao Câu
Cù Lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, hiện lên như một chiến hạm lớn, xung quanh bao bọc bởi hàng vạn khối đá với màu sắc và hình thù khác nhau. Đây là một đảo vắng, nằm cách bờ biển khoảng 9km, đi tàu từ đất liền ra hết khoảng 1 giờ 30 phút. Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất độc đáo, xen kẽ là những thảm cỏ xanh mượt. Nơi đây được qui hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển và là điểm du lịch sinh thái biển rất hấp dẫn.
Cù Lao Câu
Đảo Phú Quý
Cách bờ biển Phan Thiết 100 km, trên đảo Phú Quý có những ngôi chùa khá lớn như chùa Linh Quang, chùa Cao Cát… được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng, phong phú cùng nhiều bãi tắm như: vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mô Thầy, bãi vịnh Triều Dương. Nếu có dịp đi ra mấy hòn đảo nhỏ xung quanh đảo Phú Quý như Hòn Tranh, Hòn Ðen, Hòn Trứng, chắc hẳn bạn sẽ thấy biển Phan Thiết thực hấp dẫn biết bao.
Đảo Phú Quý